Hướng dẫn mẹ cho con bú đúng cách

Cho con bú – việc làm tưởng như dễ dàng, bản năng nhưng không hẳn vậy, muốn cho con bú đúng cách bạn vẫn cần phải học. Cho con bú đúng cách thì sữa mẹ sẽ về nhiều và bạn không thấy mệt mỏi, em bé có thể bú thoải mái không bị gò bó. Vậy cho con bú như thế nào là đúng cách? Bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây để làm rõ nhé!

1. Hướng dẫn cho con bú đúng cách

Cho con bú là khi bạn cho trẻ bú sữa mẹ, thường là trực tiếp từ vú của bạn. Nhiều chuyên gia y tế, bao gồm Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Trường Cao đẳng Sản phụ khoa Hoa Kỳ, đặc biệt khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn (không sữa công thức, nước trái cây hoặc nước lọc) trong 6 tháng đầu tiên. Sau khi cho trẻ ăn các loại thức ăn khác, các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ, ít nhất cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Bao lâu bạn nên cho trẻ bú tùy thuộc vào vào nhu cầu và cách trẻ bú. Nếu mỗi lần trẻ bú ít thì khoảng cách giữa các lần bú sẽ ngắn hơn. Ngược lại, nếu mỗi lần bú trẻ bú nhiều và lâu hơn thì khoảng cách giữa các lần bú sẽ được kéo dài hơn. Điều này sẽ thay đổi khi em bé của bạn lớn lên.

Trẻ sơ sinh thường muốn bú 2-3 giờ một lần. Đến 2 tháng tuổi, trẻ bú mỗi 3-4 giờ một lần. Đến khi trẻ được sáu tháng tuổi, hầu hết trẻ bú 4-5 giờ một lần. Không có đứa trẻ nào giống đứa trẻ nào, chính vì vậy việc cho bé bú như nào sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào trẻ và quyết định của bạn.

Dưới đây là một số hướng dẫn cho con bú đúng cách, bạn có thể tham khảo để việc cho con bú trở nên dễ dàng hơn:

  • Thu thập kiến thức: bạn nên tìm hiểu về cách nuôi dưỡng trẻ từ trước khi sinh thông qua sách, bài báo, video, bạn bè, mẹ của bạn hoặc một lớp học.
  • Sử dụng gối cho con bú hoặc một vật mềm khác hỗ trợ để giúp bạn đặt trẻ đúng tư thế khi bú.
  • Hỏi các chuyên gia: bạn nên hỏi các chuyên gia tư vấn và y tá về cho con bú khi bạn đang ở bệnh viện.
  • Miệng của bé phải mở rộng và nên ngậm hết quầng vú của bạn.
  • Lượng nhỏ sữa non giàu chất dinh dưỡng là tất cả những gì em bé cần nhận được lúc đầu. Như vậy là đủ, do đó bạn không nên lo lắng rằng lượng sữa của mình quá ít và sợ không đủ cho bé.
  • Theo dõi: bạn nên ghi lại thời điểm bạn cho con bú, trong bao lâu và bạn đã kết thúc việc cho con bú khi nào. Điều này sẽ giúp bạn biết cho con bú lần tiếp theo vào lúc nào.
  • Bạn có thể cần vỗ nhẹ vào lưng trẻ sau khi trẻ bú xong hoặc giữa chừng để tránh khí tồn đọng lại trong dạ dày trẻ. Do khi trẻ bú, sẽ có một lượng khí được trẻ hút theo sữa vào trong dạ dày, lượng khí này sẽ làm đầy dạ dày và khiến bé khó chịu.
  • Đảm bảo rằng bạn đang ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước. Nuôi con bằng sữa mẹ sẽ nuôi dưỡng bé một cách tốt nhất, nhưng bạn phải mất rất nhiều năng lượng, do đó bạn cần được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.
  • Cho con bú khó hơn bạn tưởng tượng và có thể khiến bạn bị đau lúc đầu. Hãy thử chườm nóng hoặc lạnh, và bôi kem lanolin để chữa đau đầu vú.

Ngoài ra, để việc cho con bú trở nên thoải mái cho cả bé và bạn, bạn nên chú ý:

  • Nhận biết thời điểm bé đói: để ý các dấu hiệu đói của trẻ và cho trẻ bú bất cứ khi nào trẻ đói . Đây được gọi là cho ăn “theo yêu cầu”. Trong vài tuần đầu tiên, bạn có thể cho con bú từ 8 đến 12 lần mỗi 24 giờ. Trẻ sơ sinh đói sẽ đưa tay về phía miệng, tạo ra tiếng động khi mút hoặc cử động miệng, hoặc di chuyển về phía vú của bạn. Đừng đợi đến khi bé khóc, bởi khi đó trẻ đã quá đói.
  • Hãy kiên nhẫn: cho trẻ bú miễn là trẻ muốn bú mỗi lần. Đừng vội cho trẻ sơ sinh bú. Hãy kiên nhẫn chờ đợi đến khi trẻ đói và chờ cho đến khi trẻ bú xong, mỗi lần trẻ sơ sinh bú có thể kéo dài từ 10 – 20 phút.
  • Sự thoải mái: đây là chìa khóa thành công của việc cho con bú sữa mẹ. Hãy thư giãn trong khi cho con bú, và sữa của bạn có nhiều khả năng “xuống” và chảy ra nhiều hơn. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng những chiếc gối khi cần thiết để hỗ trợ cánh tay, đầu và cổ của bạn, và một chỗ để chân để hỗ trợ bàn chân và chân của bạn trước khi bạn bắt đầu cho con bú.

2. Dấu hiệu trẻ đòi ăn

Em bé có bản năng tự nhiên cho phép tìm thấy vú mẹ từ khi sinh. Những hành vi bản năng này được nhìn thấy sớm nhất là 1-2 giờ và tiếp tục ít nhất 3 tháng sau sinh. Chính những hành vi bản năng này giúp mẹ có thể nhận thấy dấu hiệu bé muốn ăn sớm nhất như:

  • Xoay đầu từ mặt sang bên để tìm vú,
  • Nút lưỡi.
  • Miệng chuyển động như đang bú mẹ.
  • Rúc, tìm ngực mẹ
  • quằn người,
  • Cho tay vào miệng,…

Khóc là một dấu hiệu đòi ăn muộn của việc bé cảm thấy đói, vì vậy thay vì đợi đến khi bé khóc quấy vì đói, mẹ nên nhận ra tín hiệu bé đòi ăn, cho bé ăn sớm hơn để trẻ không bị đói mẹ nhé.

Trẻ sơ sinh bị sôi bụng dễ gây nên tình trạng chán ăn, quấy khóc, mệt mỏi

3. Trẻ sơ sinh bú bao nhiêu lần mỗi ngày?

Tùy theo cân nặng và nhu cầu dinh dưỡng của mỗi trẻ mà số lần bú và lượng sữa mỗi lần nhiều ít khác nhau. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh cần bú khoảng 8-12 cữ sữa trong 1 ngày. Mỗi lần bú cách nhau 2 tiếng nếu bú mẹ và 3 tiếng nếu uống sữa công thức.

Thời gian trung bình mỗi cữ bú của bé nên kéo dài từ 20-30 phút, ít nhất 10 phút cho mỗi bên ngực vì khoảng 10 phút đầu trẻ chỉ bú được lượng nước là chủ yếu, trong khi lượng sữa mẹ tiết ra sau đó mới thực sự mang nhiều dưỡng chất tốt cho sự phát triển của trẻ . Khi lớn hơn một chút, thời gian bú của bé cũng sẽ ngắn hơn. Bé chỉ cần khoảng 5-10 phút cho mỗi cữ bú là có thể bú đủ lượng sữa cần thiết.

Tùy theo nhu cầu của trẻ mà cân nhắc việc cho trẻ bú đêm hay không. Bởi nếu cho bú lúc nữa đêm có thể cản trở giấc ngủ đêm của trẻ từ 10h đêm – 3h sáng và có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí não và thể trạng của trẻ.

4. Dấu hiệu bé đã bú đủ

Với những bà mẹ trẻ khi sinh con lần đầu thì chuyện nhận biết bé đã bú đủ no hay chưa là một chuyện không hề đơn giản.? Tuy nhiên, mẹ chỉ cần chịu khó quan sát một vài dấu hiệu dưới đây sẽ biết ngay con có bú đủ hay không.

  • Sau mỗi lần bú, bầu ngực của bạn trở nên mềm hơn
  • Trẻ đi ngoài với phân có màu vàng, mềm
  • Đi tiểu đều đặn, nước tiểu không có màu hoặc màu vàng nhạt, không có mùi hôi. Điều này chứng tỏ bé đã nhận đủ sữa
  • Con bạn sẽ thể hiện sự vui vẻ, thoải mái và hài lòng sau mỗi lần bú
  • Cân nặng của bé sẽ tăng lên một cách đều đặn sau khoảng 2 tuần đầu tiên

Lưu ý: Bạn đừng quá lo nếu thời gian bú của con ngắn hơn bình thường.Tùy thuộc vào bầu ngực của mỗi mẹ sẽ tạo ra khối lượng sữa khác nhau, bé có thể nhận được tất cả các chất dinh dưỡng chỉ trong vòng vài phút khi bú. Miễn sao mẹ đảm bảo việc cho con bú đúng cách cũng như không bỏ qua cữ bú nào.

5. Hiểu đúng về các hình thức của sữa mẹ

Để có thể nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả, đúng cách, khoa học, trước tiên mẹ cần biết rõ các dạng khác nhau của sữa mẹ. 

5.1. Sữa non

Sữa non là sữa đầu tiên mà trẻ sơ sinh nhận được khi bắt đầu bú mẹ. Sữa non thường có màu vàng, chất sữa đặc hơn so với sữa trưởng thành.

Giai đoạn sản xuất sữa non bắt đầu trong thời kỳ mang thai và kéo dài trong vài ngày sau khi phụ nữ sinh con. Sữa non chứa nhiều chất dinh dưỡng, đặc biệt là protein và các hợp chất tăng cường miễn dịch để cung cấp năng lượng và hỗ trợ cho em bé trong những ngày đầu tiên chào đời.

Theo Bác sĩ Lê Thị Kim Ngân, sản phụ nên cho con bú ngay khi vừa chào đời để trẻ nhận được nguồn sữa đặc biệt này.

5.2. Sữa chuyển tiếp

Khi hết sữa non thì tuyến sữa bắt đầu tiết ra sữa chuyển tiếp. Loại sữa mẹ này sẽ chỉ xuất hiện từ 5-15 ngày, tính từ lúc sữa non kết thúc. Càng về gần cuối chu kỳ tiết sữa chuyển tiếp, thành phần dinh dưỡng của sữa này càng tiết nhiều hơn và dần giống với sữa trưởng thành.

5.3. Sữa trưởng thành

Sữa trưởng thành có protein chỉ bằng một nửa sữa non nhưng lại giàu chất béo hơn. Sữa trưởng thành sẽ xuất hiện khi sữa chuyển tiếp kết thúc.

5.4. Sữa đầu bữa

Sữa đầu bữa là sữa được tiết ra trong đầu bữa bú của bé, thường có màu trắng trong và chứa nhiều đường, đạm, nước hơn so với sữa cuối bữa.

5.5. Sữa cuối bữa

Sữa cuối bữa là loại sữa được tiết ra vào cuối bữa bú của trẻ, có màu trắng đục do chứa nhiều chất béo hơn sữa đầu bữa.

Như vậy, tùy nhu cầu mà mẹ nên cho bé bú sữa đầu bữa và sữa cuối bữa để đảm bảo con hấp thu đầy đủ dưỡng chất.

6. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

6.1. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với trẻ

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Sữa mẹ có sự kết hợp gần như hoàn hảo giữa vitamin , protein và chất béo – mọi thứ mà em bé cần để phát triển. Và tất cả đều được cung cấp ở dạng dễ tiêu hóa hơn sữa bột dành cho trẻ sơ sinh.

Đồng thời sữa mẹ còn chứa các kháng thể giúp bé tránh khỏi sự tấn công của virus và vi khuẩn. Nghiên cứu cho thấy nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn hoặc dị ứng của bé.

Ngoài ra, trẻ được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, không kèm theo sữa công thức, ít bị nhiễm trùng tai, bệnh hô hấp và tiêu chảy hơn. Trẻ cũng ít phải đi khám và nhập viện điều trị vì các lý do khác.

Trong một số nghiên cứu, nuôi con bằng sữa mẹ có liên quan đến điểm IQ của trẻ cao hơn trong thời thơ ấu. Hơn nữa, sự gần gũi về thể chất, da kề da và giao tiếp bằng mắt đều giúp bé gắn kết với bạn và cảm thấy an tâm.

Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ có nhiều khả năng để đạt được đúng trọng lượng cần tiêu chuẩn khi chúng lớn, ít có khả năng bị thừa cân.

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết việc cho con bú cũng đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Điều này cũng được cho là có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và một số bệnh ung thư, tuy nhiên vẫn cần nghiên cứu thêm.

6.2. Lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ đối với mẹ

Cho con bú sẽ đốt cháy thêm calo, vì vậy nó có thể giúp bạn giảm cân và lấy lại vóc dáng nhanh hơn sau khi sinh. Khi cho con bú, cơ thể bạn sẽ giải phóng hormone oxytocin, giúp tử cung của bạn trở lại kích thước trước khi mang thai và có thể làm giảm chảy máu tử cung sau khi sinh.

Cho con bú cũng làm giảm nguy cơ ung thư vú và ung thư buồng trứng. Nó cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương của bạn .

Vì bạn không phải mua và đong sữa công thức, tiệt trùng núm vú, hoặc hâm nóng bình sữa, nên nó giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc. Cho con bú sữa mẹ cũng thường xuyên cho bạn khoảng thời gian thư giãn yên tĩnh với trẻ sơ sinh, giúp hai mẹ con gắn bó với nhau hơn.

7. Vì sao cần cho bé bú mẹ thường xuyên?

Sữa mẹ được “sản xuất” như thế nào? Theo bản năng, cơ thể của người mẹ sẽ tự động tạo ra sữa cho dù bé có bú hay không. Song, thường sau khoảng tuần đầu tiên, việc sản xuất sữa nhiều hay ít sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bú của trẻ. Do đó, bác sĩ Lê Thị Kim Ngân khuyên, muốn thiết lập và duy trì nguồn sữa lành mạnh, các bà mẹ cần cho con bú thường xuyên.

Việc cho con bú bằng sữa mẹ thường xuyên sẽ kích thích các dây thần kinh ở vú để gửi thông điệp đến tuyến yên trong não của mẹ. Tuyến yên tiết ra các hormone oxytocin và prolactin. Hormone prolactin có tác động đến tuyến sữa để tạo ra sữa mẹ, còn hormone oxytocin lại có nhiệm vụ báo hiệu phản xạ tiết sữa bằng cách làm cho các phế nang co lại và ép sữa mẹ vào ống dẫn sữa để cho bé bú.

Nếu mẹ cho con bú sau 1-3 giờ (ít nhất 8-12 lần một ngày), mức prolactin sẽ được tăng lên, từ đó kích thích việc sản xuất sữa nhiều hơn. Giai đoạn tạo sữa hoàn toàn này bắt đầu vào khoảng ngày thứ 9 sau khi sinh và kéo dài cho đến khi kết thúc thời kỳ cho con bú.

8. Tư thế nào là tốt nhất để cho con bú?

Tư thế tốt nhất cho bạn là tư thế mà bạn và em bé của bạn đều thoải mái và thư giãn, và bạn không phải căng thẳng để giữ tư thế hoặc tiếp tục cho con bú. Dưới đây là một số tư thế phổ biến khi cho trẻ bú:

  • Tựa một bên đầu của trẻ vào khuỷu tay của bạn và toàn bộ cơ thể của trẻ hướng về phía bạn. Đặt bụng của trẻ dựa vào cơ thể của bạn để trẻ cảm thấy được hỗ trợ hoàn toàn. Cánh tay còn lại của bạn có thể ôm quanh để đỡ đầu và cổ của bé, hoặc với qua người bé để hỗ trợ phần lưng bên dưới.
  • Đặt lưng của bé dọc theo cẳng tay của bạn để giữ bé như một quả bóng, nâng đỡ đầu và cổ trong lòng bàn tay của bạn. Điều này hiệu quả nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Đây cũng là một tư thế tốt nếu bạn đang hồi phục sau ca sinh mổ và cần bảo vệ bụng khỏi áp lực hoặc trọng lượng của em bé.
  • Tư thế nằm nghiêng: tư thế này rất tốt cho việc cho trẻ bú đêm trên giường. Nằm nghiêng cũng có tác dụng tốt nếu bạn đang hồi phục sau vết rạch tầng sinh môn – vết mổ để mở rộng cửa âm đạo trong khi sinh. Dùng gối kê dưới đầu để thoải mái. Sau đó, ôm sát vào người bé và dùng tay còn lại để nâng vú và núm vú đưa vào miệng bé. Sau khi bé đã ngậm chặt núm vú, hãy đỡ đầu và cổ bằng bàn tay còn lại của bạn để bé không bị vặn người hay căng mình để bú.
  • Ngồi thẳng trên ghế thoải mái có tay vịn. Ôm bé trong vòng tay đối diện với bầu vú mà bạn sẽ cho bé bú. Dùng tay đỡ đầu bé, đưa bé nằm ngang cơ thể của bạn để bụng của bé đối diện bụng của bạn. Dùng tay còn lại để nâng ngực theo hình chữ U. Đưa miệng của trẻ đến gần vú bạn và ôm trẻ lại gần, tuyệt đối không cúi về phía trước.
  • Tìm nơi bạn có thể tựa lưng, nhưng không phải mặt phẳng, trên đi văng hoặc giường. Có phần hỗ trợ tốt cho đầu và vai của bạn. Bạn ôm bé sao cho để toàn bộ mặt trước của bạn và bé chạm vào nhau. Hãy để em bé ở bất kỳ tư thế nào mà chúng thoải mái miễn là má của chúng nằm gần vú bạn. Giúp bé ngậm ti nếu bé cần hỗ trợ.

9.Trường hợp nào không nên cho bé bú sữa mẹ?

Theo khuyến cáo của Bác sĩ, nếu phụ nữ thuộc các đối tượng sau thì không nên cho bé bú hoặc cần tư vấn trực tiếp bác sĩ để có lời khuyên phù hợp.

  • Mẹ đang bị các bệnh lý lây nhiễm
  • Mẹ đang được hóa trị để điều trị bệnh ung thư
  • Mẹ đang sử dụng chất cấm như cocaine hoặc cần sa
  • Bé mắc hội chứng hiếm gặp galactosemia và không thể dung nạp đường tự nhiên trong sữa mẹ (dị ứng sữa mẹ)
  • Bạn đang dùng thuốc theo toa như thuốc trị đau nửa đầu, bệnh Parkinson hoặc viêm khớp

10. Cách chăm sóc nguồn sữa mẹ để việc nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả

Dinh dưỡng

  • Mẹ nên ăn uống đầy đủ, cân đối các nhóm chất bao gồm: Chất xơ, vitamin, khoáng chất, tinh bột, uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
  • Tránh ăn các loại thực phẩm công nghiệp, nhiều dầu mỡ, cay, nóng, chua.
  • Mẹ không nên uống cà phê và thức uống có cồn như bia, rượu và cả nước ngọt đóng chai.
  • Ngoài ra, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyên, khi trẻ từ 4 tháng tuổi, mẹ nên tăng cường sắt cho bản thân để tăng cường chất này trong sữa cho bé bú.

Tập luyện

  • Mẹ nên vận động nhẹ nhàng hai tuần đầu sau sinh, sau đó có thể tăng mức vận động và tăng thời gian vận động nhiều hơn.
  • Massage ngực giúp lưu thông máu, kích thích việc tiết sữa và ngăn ngừa nguy cơ tắc sữa. Vì vậy mẹ nên thực hiện việc này hàng ngày.

Sinh hoạt

  • Mẹ nên ăn uống điều độ, đúng giờ, không thức khuya và cần ngủ đủ giấc mỗi ngày.
  • Mẹ nên dành thời gian thư giãn như nghe nhạc, ngồi thiền, đọc sách… để tránh căng thẳng, stress ảnh hưởng đến nguồn sữa mẹ.