Chăm sóc bé sốt khi mọc răng

Thông thường, trẻ em khi trong thời gian mọc răng sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như đau do mọc răng hay sốt do mọc răng. Trong những trường hợp này, bố mẹ cần nhận biết được để có những biện pháp xử lý giúp giảm đau khi mọc răng cho bé hoặc đưa đến cơ sở y tế để được giúp đỡ.

1. Dấu hiệu giúp cha mẹ nhận biết trẻ mọc răng

Thông thường, độ tuổi trẻ bắt đầu mọc răng sữa là vào khoảng tháng thứ 6 sau khi sinh. Trẻ sẽ liên tục mọc các răng cho đến khi hoàn thiện hai hàm răng vào khoảng trên 3 tuổi. Tùy từng cơ địa và sự phát triển mà trẻ có thể mọc răng sớm hoặc muộn hơn.

Khi mọc răng, trẻ thường gặp nhiều triệu chứng khó chịu khiến trẻ quấy khóc, chán ăn, bỏ ăn và khiến cha mẹ lo lắng như:

1.1. Chảy nước dãi

Trẻ ở độ tuổi mọc răng thường chảy nước dãi nhiều hơn bình thường khiến cằm thường xuyên ẩm ướt. Hãy dùng khăn mềm hoặc giấy khô thấm nước dãi cho trẻ thường xuyên.

1.2. Khó ngủ

Mọc răng gây cảm giác đau ngứa, bứt rứt nên giấc ngủ đêm của trẻ thường bị xáo trộn. Hãy tập thói quen và giờ ngủ cho trẻ, dỗ dành để trẻ dễ đi vào giấc ngủ hơn.

1.3. Sưng nướu và sốt

Khi nhìn vào miệng trẻ đang mọc răng, các chồi nhỏ sẽ xuất hiện và chồi lên dọc theo nướu của trẻ. DÙng ngón tay sạch chạm vào nướu, cha mẹ sẽ thấy răng cứng ở bên dưới.

Ngoài ra, mọc răng cũng thường khiến trẻ sốt nhẹ nhưng thường không sốt quá nặng và kéo dài. Trường hợp sốt cao kèm các triệu chứng nặng khác thì có thể do nguyên nhân khác ngoài mọc răng.

2. Phân biệt bé sốt do mọc răng

Bé sốt do mọc răng thường đi kèm những dấu hiệu chuẩn bị mọc răng khác như: bé chảy nhiều dãi, thích kéo tai; bé ngứa răng nên thích “gặm” tay mẹ hoặc nhai những đồ vật khác; lợi bé có biểu hiện sưng đỏ; bé sốt theo từng cơn…

Nhiều trường hợp, bé sốt là do mắc chứng bệnh truyền nhiễm: bé sốt liên tục, ít hoặc hầu như không kèm theo các dấu hiệu mọc răng.

Để biết chắc bé sốt có phải là do mọc răng hay không, nên đưa bé đi khám. Nhiều trường hợp, người mẹ có thể nhẫm lẫn giữa tình trạng sốt mọc răng và sốt do những nguyên nhân khác.

3. Sốt do mọc răng

Bên cạnh đau do mọc răng thì những thắc mắc về tình trạng sốt do mọc răng cũng được nhiều phụ huynh quan tâm. Sốt được xem là một biểu hiện của sự nhiễm trùng, chứ không phải tình trạng mắc phải khi trẻ mọc răng. Tuy nhiên, khi mọc răng, nhất là ở thời điểm trẻ được 6 – 12 tháng tuổi thì tình trạng nhiễm trùng có thể xảy ra dẫn đến sốt nên được gọi là sốt do mọc răngtrong giai đoạn này. Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng trong thời gian mọc răng này được giải thích là do:

  • Trẻ mọc răng lúc 6 – 12 tháng tuổi là thời điểm trẻ hay có thói quen ngậm, mút và nhai những đồ vật xung quanh, nên bất cứ vật dụng gì xung quanh trẻ cũng sẽ có xu hướng đưa vào miệng. Đây là điều kiện thuận lợi cho những mầm bệnh có thể tiếp xúc với trẻ gây nên tình trạng nhiễm trùng.
  • Thời điểm 6 – 12 tháng tuổi là lúc trẻ sẽ mất dần những kháng thể do mẹ truyền sang khi sinh nên hệ thống miễn dịch trong giai đoạn này rất yếu, mất đi những kháng thể quan trọng giúp trẻ có thể đề kháng với những tác nhân gây bệnh ở môi trường xung quanh.

Vì sốt do mọc răng là tình trạng cơ thể của trẻ đang phản ứng chống lại sự nhiễm trùng diễn ra bên trong nên được xem là một tình trạng tự nhiên. Tuy nhiên, vẫn nên có một vài phương pháp điều trị để giúp trẻ hạn chế sự khó chịu đến mức tối đa như cho trẻ dùng thuốc Acetaminophen hàm lượng phù hợp với độ tuổi và trọng lượng của từng trẻ theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ ăn mặc thoáng mát, quần áo mỏng vải để nhiệt được tỏa ra bên ngoài giảm sốt. Một điều cực kỳ quan trọng trong giai đoạn này đó là phải bổ sung nước thật nhiều cho trẻ, tránh mất nước do sốt.

Một số triệu chứng có thể bị nhầm lẫn là liên quan đến quá trình mọc răng của trẻ mà ba mẹ cần lưu ý nhận biết được đó là:

  • Nôn mửa.
  • Ỉa chảy.
  • Phát ban với diện tích rộng và ở nhiều vị trí trên cơ thể.
  • Quấy khóc kéo dài.
  • Hôn mê.

4. Chăm sóc trẻ mọc răng như thế nào cho đúng?

Để giảm triệu chứng khó chịu và giúp trẻ trải qua giai đoạn mọc răng này dễ dàng hơn, các biện pháp chăm sóc dưới đây là cần thiết. Cha mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà hoặc liên hệ với bác sĩ nếu triệu chứng nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của trẻ.

4.1. Hạ sốt tự nhiên cho trẻ

Trước khi tìm đến thuốc hạ sốt,trẻ bị sốt do mọc răng không quá nghiêm trọng có thể hạ sốt bằng các biện pháp như: cho trẻ uống nước ấm, lau người cho trẻ bằng nước ấm, cho trẻ bú nhiều hơn, mặc đồ rộng rãi thấm hút mồ hôi tốt,…

Nếu trẻ sốt không chịu uống nước hay bú sữa, cần dùng tăm bông thấm nước sạch để chấm vào miệng bé tránh tình trạng mất nước khô môi,… Chườm lạnh với đá ướp trong khăn ướt có thể làm dịu cảm giác đau khi mọc răng cho trẻ, tuy nhiên tránh chườm quá lâu hoặc dùng đá trực tiếp có thể gây tổn thương nướu của trẻ.

4.2. Vệ sinh răng miệng cho bé

Trong giai đoạn trẻ mọc răng, cần chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ thật tốt tránh nhiễm trùng và cản trở việc mọc răng. Hãy thường xuyên dùng khăn sạch lau nước miếng chảy quanh miệng của trẻ, cho trẻ uống nước để làm sạch nướu sau khi trẻ bú hoặc ăn.

Vùng nướu của trẻ khi mọc răng có thể bị sưng đỏ hoặc dễ nhiễm trùng hơn, do đó nên vệ sinh bằng miếng gạc chuyên dụng hoặc vải mềm từ 1 – 2 lần mỗi ngày. Nếu nướu bị nhiễm trùng, tấy đỏ, có dịch viêm thì nên đưa trẻ đi khám để dùng thuốc điều trị sớm.

4.3. Tránh cho trẻ làm tổn thương miệng

Cảm giác đau ngứa do mọc răng khiến trẻ khó chịu và trẻ có thể gặm mút tay hay các vật dụng cứng xung quanh. Cha mẹ nên loại bỏ những đồ chơi cứng, vật dung có cạnh sắc nhọn có thể gây tổn thương nướu lợi cho trẻ.

Thời gian trẻ mọc răng sẽ thường quấy khóc, biếng ăn hơn bình thường song lúc này, cha mẹ nên ở cạnh an ủi, động viên trẻ. Trẻ an tâm và được chăm sóc tốt thường sẽ cảm thấy dễ chịu và vượt qua giai đoạn mọc răng quan trọng này dễ dàng hơn.