Những điều cần biết khi trẻ chậm nói dành cho các bậc phụ huynh

Chậm nói ở trẻ nếu không can thiệp kịp thời sẽ khiến trẻ chịu nhiều thiệt thòi trong sinh hoạt hàng ngày, giao tiếp, thậm chí dễ bỏ qua các bệnh lý đi kèm. Chính vì vậy các phụ huynh cần nắm rõ bé bị chậm nói phải làm sao để sớm giúp trẻ phát triển bình thường như trẻ cùng lứa tuổi.

1. Quá trình phát triển ngôn ngữ bình thường ở trẻ

Giai đoạn phát triển ngôn ngữ bình thường của trẻ được biểu hiện như sau:

  • Từ 3 – 6 tháng: Trẻ bắt đầu chăm chú nhìn vào người nói chuyện. Quay đầu về phía có tiếng động phát ra. Phân biệt được các tiếng động khác nhau phát ra từ các vị trí khác nhau. Nói được nguyên âm ‘a’, từ ‘ba’, ‘bà’.
  • Từ 6 – 9 tháng: Nói được 2 âm khác nhau như ‘ma ma’, ‘da da’.
  • Từ 9 – 12 tháng: Trẻ phát âm ‘ê’ ‘a’ kéo dài thành một chuỗi âm thanh như người lớn nhưng không rõ từ. Tùy theo mỗi trẻ nhưng khi được khoảng mười một tháng hay một tuổi có trẻ nói được khoảng hai ba từ đơn khá rõ, có thể là: bố, bà.
  • Từ 12 – 15 tháng: Trẻ có thể phát âm như tiết tấu âm nhạc để giữ cho câu chuyện tiếp tục.
  • Từ 15 – 18 tháng: Sử dụng được 4 từ, thường là tên con vật kết hợp với cử chỉ, đưa tay vẫy, chỉ. Khi trẻ được 18 tháng tuổi trẻ bắt đầu nói và tự nối ghép được hai từ với nhau.

Ở giai đoạn này trẻ nói bắt đầu hình thành các trật tự câu. Trẻ biết chỉ được ít nhất là sáu bộ phận trên cơ thể, chỉ được một hai hình ảnh quen thuộc khi cho trẻ nhìn tranh như: hình bố, hình con cá hoặc hình con chó…

  • Từ 18 tháng đến 2 tuổi: Biết khoảng 25 từ, gọi tên người, chào hỏi, từ chối.
  • Từ 2 – 3 tuổi: Nói rất nhiều, biết từ 50 đến 200 từ, tự nói chuyện khi chơi. Đến 3 tuổi trẻ tạo ra một cụm từ có đầy đủ thành phần chủ vị. Trẻ biết sử dụng các câu đơn giản, đặt câu hỏi đơn giản.

Trẻ trả lời được các câu hỏi như: cái gì, ở đâu? Có/không. Sau giai đoạn này trẻ sẽ nói được và sẽ tạo đà cho trẻ phát triển rất nhiều các câu phức tạp, hình thành được các câu chuyện dài với nội dung khá logic.

  • Từ 3 – 4 tuổi: Trẻ nói được các câu phức tạp, bắt đầu sử dụng các ngôn ngữ ấy một cách khá tốt. Tự kiểm soát được cường độ giọng nói, xây dựng ngữ điệu như người lớn, thường hỏi cái gì, ở đâu, tại sao,…

2. Dấu hiệu nhận biết việc chậm nói ở trẻ qua từng độ tuổi

Hiện nay, trẻ chậm nói xuất hiện khá phổ biến. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp được những em bé chậm nói trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, để hiểu rõ được nguyên nhân cũng như nhận biết bé chậm nói cần phải có một quá trình mới có thể khẳng định được. Một số dấu hiệu của việc em bé chậm nói qua từng độ tuổi mà các bậc phụ huynh cần lưu ý như:

2.1. Trẻ  7 tháng tuổi

Sau khoảng 3 đến 4 tháng tuổi, trẻ đã bắt đầu phát ra những âm thanh không rõ tiếng ví dụ như tiếng gừ gừ. Tuy nhiên, đối với trẻ có dấu hiệu của việc chậm nói, trẻ không hề phát ra âm thanh. Nếu có chỉ là những âm thanh gừ gừ và hoàn toàn không có  sự bắt chước các âm thanh khác. Đặc biệt, bé không hề có các phản ứng với âm thanh và tiếng động mạnh.

2.2. Trẻ 12 tháng tuổi

Khi trẻ được 12 tháng tuổi nhưng trẻ vẫn không học nói, không phát ra bất kỳ một âm thanh nào như mẹ hay bà, bố,… Bên cạnh đó, trẻ không muốn giao tiếp với mọi người xung quanh và không có phản ứng khi được người khác gọi tên. Đây chính là dấu hiệu của trẻ chậm nói và có nguy cơ bị tự kỷ. Nếu trẻ có những dấu hiệu này, bố mẹ cần chú ý và quan tâm tới trẻ nhiều hơn.

2.3. Trẻ 24 tháng tuổi

Trẻ bắt đầu biết nói nhưng vốn ngôn từ của bé rất ít. Hầu hết bé sẽ chỉ nói được một số câu giao tiếp đơn giản và không kéo dài quá 15 từ trong một câu. Trẻ ít khi nói chuyện và tương tác với mọi người trừ những lúc khẩn cấp. Ngoài ra, trẻ sẽ không thể hiểu được những câu bạn nói quá dài hoặc không nhận thức được điều bạn đang cố truyền đạt.

2.4. Trẻ 3 tuổi

Trẻ vẫn đang trong tình trạng tập nói, thường xuyên nói lắp, khó phát âm từ ngữ khiến cho mọi người trong gia đình không thể hiểu lời bé nói. Bé không thể ghép câu hay không hiểu được những câu hỏi. Khi bé ở trong môi trường có nhiều đứa trẻ khác, trẻ có xu hướng thu mình lại và ngại giao tiếp. Luôn cố gắng bám dính lấy bố hoặc mẹ.

2.5. Trẻ 4 tuổi

Đối với trẻ bình thường và giai đoạn này, trẻ đã có thể giao tiếp thuần thục, rõ ràng và hiểu được hầu hết mọi câu hỏi của người lớn. Tuy nhiên, đối với trẻ chậm nói, phần lớn phụ âm trẻ vẫn chưa thể phát âm được rõ ràng. Không thể sử dụng các đại từ nhân xưng đúng cách.

Nếu vào độ tuổi này mà trẻ vẫn còn có những dấu hiệu trên thì có thể khẳng định rằng bé nhà bạn đã mắc chứng chậm nói ở trẻ nhỏ.

3. Nguyên nhân khiến trẻ chậm nói

Chậm nói ở trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số trường hợp, trẻ chậm nói là do tạm thời và có thể khắc phục dưới sự hỗ trợ và quan tâm của bố mẹ. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một vài nguyên nhân do bệnh lý hoặc tâm lý khiến cho bé chậm nói so với bình thường.

  • Nguyên nhân xuất phát do bệnh lý: là do trẻ có những vấn đề về cơ quan phát âm (tai, mũi, họng), cơ quan chỉ huy (não bị dị tật bẩm sinh, bại não, những di chứng sau xuất huyết não, viêm màng não…).
  • Nguyên nhân xuất phát do tâm lý: là do gia đình hoặc quá cưng chiều, hay bỏ bê trẻ, hoặc đã xảy ra một biến cố nào đó làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
  • Trẻ bị tự kỷ: Khi trẻ xuất hiện tình trạng chậm nói đó cũng có thể là biểu hiện của việc trẻ đã mắc phải hội chứng tự kỷ. Hội chứng này khiến trẻ không muốn giao tiếp hay tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Tuy nhiên, đây chỉ là một nguyên nhân nhỏ trong các nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói ở trẻ.

4. Cách khắc phục tình trạng chậm nói ở trẻ hiệu quả

Như chúng ta đã đề cập ở trên tình trạng trẻ chậm nói có thể do tạm thời hoặc do bệnh lý gây ra. Tùy thuộc vào mỗi nguyên nhân mà chúng ta sẽ có phương pháp khắc phục tình trạng bé chậm nói khác nhau.

4.1. Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân

Trước hết, để có thể tìm kiếm được nguyên nhân gây nên tình trạng chậm nói ở trẻ, chúng ta cần đưa trẻ tới gặp bác sĩ. Việc đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám sẽ giúp xác định được chính xác hơn nguyên nhân khiến bé chậm nói. Từ đó sẽ giúp bố mẹ có được hướng điều trị phù hợp nhất dành cho trẻ.

4.2. Quan tâm và dạy trẻ học nói mỗi ngày

Đối với bé chậm nói, việc quan tâm và chăm sóc đặc biệt từ bố mẹ là yếu tố vô cùng quan trọng. Bố mẹ cần thường xuyên trao đổi, trò chuyện với con nhiều hơn. Khi trẻ đang trong giai đoạn tập nói, bố mẹ cần dạy cho bé phát âm những âm thanh đơn giản, chính xác. Trò chuyện với bé bằng cả âm thanh và cử chỉ hành động sẽ giúp bé tiếp thu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, bạn có thể đọc sách hay kể chuyện cho trẻ vào những lúc rảnh rỗi hoặc vào buổi tối trước lúc bé đi ngủ. Thay đổi môi trường, các vật dụng, đồ vật trang trí để kích thích sự tìm tòi, học hỏi của bé. Hạn chế tối đa việc trẻ ngồi xem tivi một mình và quá nhiều mỗi ngày.

4.3. Đưa trẻ tới khu vui chơi, nơi đông bạn bè

Bên cạnh quan tâm và dạy trẻ tập nói thì việc đưa trẻ đi chơi, giao lưu với các bạn cùng trang lứa là điều cực kỳ cần thiết. Khi trẻ thường xuyên tiếp xúc với những đứa trẻ khác, bé sẽ trở nên tự tin mạnh dạn hơn. Hơn nữa, điều này cũng chính là một điều kiện tốt để trẻ phát triển vốn ngôn ngữ của mình.

Trên đây là những thông tin về trẻ chậm nói chúng tôi muốn gửi đến bạn. Hi vọng rằng bạn đã có được những thông tin hữu ích cho mình về vấn đề chậm nói ở trẻ nhỏ.