Núm ti và bình sữa trẻ em là bộ đôi không thể thiếu với hầu hết các bé trong năm đầu đời. Núm ti và bình sữa là vật tiếp xúc trực tiếp với sữa – nguồn dinh dưỡng chính của bé trong năm đầu đời. Chính vì vậy, các mẹ thường rất cẩn trọng khi lựa chọn những sản phẩm này cho con mình. Tuy nhiên, hạn sử dụng của núm ti và bình sữa lại là điều mà các mẹ ít quan tâm. Cùng tìm hiểu xem khi nào nên thay núm ti và bình sữa để không làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé.
1. Khi nào cần thay núm vú cho trẻ?
Bất cứ sản phẩm nào dù tốt đến mấy cũng đều có thời hạn sử dụng nhất định. Bình sữa và núm vú của trẻ cũng không phải là ngoại lệ. Do đó, để ngăn ngừa ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài tới chất lượng sữa cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý đặc biệt tới việc sử dụng bình sữa và núm vú.
Để phát hiện những dấu hiệu bất thường, mẹ nên thường xuyên kiểm tra núm vú, ít nhất 2-3 tháng/ lần. Đặc biệt, nên thay mới nếu chúng có những biểu hiện sau đây:
Núm ti bình sữa có tác dụng điều chỉnh dòng sữa chảy xuống, bình thường khi dốc xuống, sữa chỉ chảy từng giọt.
Tuy nhiên, nếu sữa chảy thành dòng hoặc chảy xuống nhiều hơn chứng tỏ rằng các lỗ trên núm đã quá to rồi. Sữa xuống quá nhiều và quá nhanh sẽ khiến bé không nuốt kịp, dẫn đến hiện tượng sặc sữa.
Mẹ có thể kiếm tra độ đàn hồi của núm vú ti bằng cách cầm chóp của núm và kéo ra. Nếu như núm ti trở lại gần như hình dáng ban đầu thì chứng tỏ độ đàn hồi của núm còn rất tốt. Ngược lại, mẹ cần thay núm ti mới cho bé.
Khi núm vú bình sữa mỏng đi, cho thấy rằng núm ti bình sữa đang bị yếu. Mẹ có thể kiếm tra độ khỏe của núm bằng cách thử ấn nhẹ đầu ti lõm xuống. Nếu núm ti nảy lên và trở về hình dáng ban đầu thì chất lượng núm còn rất tốt. Ngược lại thì mẹ cần thay núm ti mới cho bé.
Khi núm ti bình sữa có hiện tượng đổi màu, bị phình ra hay bị dính lại cho thấy chất lượng vú đã xuống cấp do sử dụng thời gian dài và cần được thay mới.
Núm ti bị trầy xước, nứt, rách là trường hợp đặc biệt mẹ cần thay núm ti mới ngay lập tức cho bé. Bởi những vết trầy xước này có thể khiến lượng sữa trong bình tiết ra nhiều hơn, nếu bé không nuốt kịp sẽ bị sặc sữa. Đây cũng là nơi ẩn lấp và sinh sôi của các loại vi khuẩn gây bệnh.
Lưu ý:
- Núm vú cần thay đổi cho phù hợp với từng giai đoạn tuổi của trẻ. Trung bình một núm vú thông thường chỉ nên sử dụng từ 2 đến 3 tháng, phụ thuộc vào tần suất sử dụng, chất lượng sản phẩm và việc giữ gìn vệ sinh, bảo quản của mẹ. Nếu mẹ nhận thấy núm vú cao su trở nên mềm hơn so với bình thường, đổi màu thì có nghĩa là núm vú đã có vấn đề.
- Núm vú cao su có khả năng chịu nhiệt ở nhiệt độ 100 độ C, có thể sử dụng trong vòng 3 tháng và nên thay 2-3 tháng/lần
- Núm vú silicon có khả năng co giãn tốt và bền hơn so với núm cao su, khả năng chịu nhiệt là 120 độ C, trung bình 3 tháng thay 1 lần.
2. Khi nào cần thay bình sữa cho trẻ?
Thông thường một bình sữa sẽ có thời hạn phụ thuộc vào chất lượng của sản phẩm cũng như việc vệ sinh, giữ gìn, bảo quản. Những nhìn chung một bình sữa từ khi hoàn thành quy trình sản xuất và chưa qua sử dụng thì thường có thời hạn sử dụng là 3 năm.
Giống như núm vú, mẹ cũng cần thường xuyên kiểm tra bình sữa của con, và nên thay mới nếu thấy bình sữa có những dấu hiệu bất thường sau:
- Bình bị nứt, sứt mẻ hay bể: Trong khi bú, bé có thể sẽ cắn, nhai hay bóp mạnh bình và những miếng mẻ, vỡ của bình sẽ vô tình làm trẻ bị thương. Điều này đặc biệt nguy hiểm nếu mẹ sử dụng bình sữa thủy tinh cho bé.
- Bình nhựa bị trầy xước hay mòn: Vi trùng, vi khuẩn “cứng đầu” có thể ẩn nấp trong những khe trầy xước của bình. Vì vậy, dù mẹ có nỗ lực hết sức cũng không thể vệ sinh bình sạch hoàn toàn được.
Ngoài ra, việc sử dụng liên tục một bình sữa sẽ dễ ảnh hưởng đến chất lượng của bình nhiều hơn khi sử dụng đồng thời nhiều bình. Trước khi pha sữa cho trẻ, bình sữa cần được khử trùng bằng nước sôi để đảm bảo chất lượng sữa. Nếu thấy các con số chỉ vạch trên bình bị mờ nhạt, bình có hiện tượng biến dạng hay có màu đuc hơn… đây đều là dấu hiệu báo rằng đã đến lúc mẹ cần thay bình sữa mới cho trẻ.
Trong quá trình nuôi con bằng sữa công thức và sữa mẹ, nếu bạn không vệ sinh sạch sẽ núm vú và bình sữa thì trẻ rất dễ gặp phải các vấn đề về hệ hô hấp, các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp và nhiễm trùng đường tiêu hóa.