Chăm sóc trẻ khi trời lạnh

Khi trời rét đậm, sẽ không ít trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hơn 5 tuổi phải vào viện vì các bệnh đường hô hấp như: viêm đường hô hấp trên, viêm tiểu phế quản, viêm phế quản hay viêm phổi. Một số biện pháp sau đây cần thiết để bảo vệ trẻ khi trời rét.

Giữ ấm cho trẻ

Ở những ngày rét đậm,với trẻ sơ sinh, cần phải mặc thêm áo dài, áo liền quần, áo ấm hay áo len bên ngoài áo lót, mang tất, đội mũ len cho bé. Nếu không giữ ấm cho trẻ khi ngủ, thì trẻ có thể bị bệnh đường hô hấp do nhiễm lạnh. Tránh đưa bé ra gió nhiều hay ngoài trời đang rét đậm, không nên giữ ấm quá mức cần thiết, sẽ gây trẻ bị nóng và rịn mồ hôi. Nếu có ra mồ hôi, nên lau khô, và điều chỉnh lại việc mặc áo cho trẻ, vì mồ hôi sẽ bị ngấm ngược lại cơ thể, khiến bé bị lạnh và có thể gây viêm phổi. Đối với trẻ lớn hơn, ngoài việc mặc áo ấm, cần lưu ý khi trẻ hoạt động nhiều, có ra mồ hôi nhiều thì phải dặn dò bé lau khô người trước khi tắm nước ấm.

Tắm đúng cách

Tắm trong phòng kín gió, lau rửa, tắm nhanh cho trẻ bằng nước ấm và ủ ấm ngay sau khi tắm để phòng nhiễm lạnh. Khi đi ra ngoài phải đeo khẩu trang để bảo vệ mũi miệng, quàng khăn khi đi đường.

Ăn uống đủ chất

Việc ăn uống đủ chất rất cần thiết cho trẻ, vì giúp trẻ tăng sức đề kháng chống lại các bệnh về đường hô hấp trong mùa đông. Ăn, uống nên ăn lúc còn ấm, nóng. Tuy nhiên khi ăn thức ăn nóng quá, trẻ có thể ra mồ hôi, cần lau khô cho trẻ. Không nên cho trẻ uống nước lạnh hay nước đá, dễ gây viêm họng.

Chơi và ngủ

Khi trẻ ngủ, nhớ mặc ấm, phòng ngủ thông thoáng không có gió lùa. Khi trẻ chơi cũng vậy, không chơi ở ban công hay sân thượng, ngoài sân, nên chơi trong phòng.

Đưa trẻ đến bệnh viện khám khi có dấu hiệu

– Trẻ dưới 2 tháng: trẻ bỏ bú, hay bú kém, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, cánh mũi phập phồng, thở rên, ngủ li bì, thóp phồng, chảy mủ tai, sốt, nhiều mụn ở da, cử động ít hơn bình thường.

– Trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: trẻ có sốt hay sốt cao, mệt mỏi, đau họng, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, ho, thở nhanh, chảy nước ở lỗ tai, không ăn uống được.

– Không nên tự trị bệnh cho trẻ ở nhà. Không nên tự động cho trẻ uống thuốc. Ngoài ra nếu chữa không đúng, bệnh trẻ trở nặng hơn, khi vào bệnh viện sẽ khó điều trị.