Khi mới sinh ra, bộ máy tiêu hóa chưa thực sự hoàn thiện nên trẻ sơ sinh dễ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa, trong đó không thể không nhắc đến chứng táo bón. Táo bón thường xuyên làm trẻ khó chịu, mệt mỏi, ăn ít và ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh sẽ đơn giản hơn nếu cha mẹ biết được nguyên nhân gây táo bón và tùy theo nguyên nhân mà có cách xử trí phù hợp.
1. Táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?
Để xác định trẻ sơ sinh bị táo bón, điều quan trọng là bạn phải biết phân của trẻ sơ sinh bình thường như thế nào. Tần suất đi ngoài của con bạn có thể thay đổi theo từng ngày và mỗi em bé đều khác nhau, nhưng hầu hết các trẻ sơ sinh sẽ đi ngoài sau mỗi lần bú trong vài tuần đầu đời.
Sau đó, sau khoảng 3 đến 6 tuần tuổi, trẻ bú sữa mẹ thường sẽ đi ngoài ít hơn, thậm chí một số trẻ chỉ đi một đến hai lần một tuần mà không phải là táo bón. Nguyên nhân là vì trong sữa mẹ hầu như không tạo ra chất thải rắn cần phải loại bỏ khỏi hệ tiêu hóa.
Trẻ được cho uống sữa công thức có xu hướng đi ngoài một lần một ngày hoặc một lần cách ngày và khối lượng phân nhiều hơn so với trẻ bú sữa mẹ.
Về độ đặc, phân của trẻ sơ sinh bình thường phải mềm, giống như bơ đậu phộng. Trẻ sơ sinh đi ngoài không thường xuyên, gắng sức hoặc rên rỉ khi đi ngoài không có nghĩa là trẻ bị táo bón nếu phân mềm.
2. Nhận biết táo bón ở trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh bị táo bón sẽ có số lần đi ngoài ít hơn thông thường. Nếu mẹ chú ý tới số lần đại tiện của trẻ thì sẽ dễ dàng phát hiện ngay tình trạng táo bón. Trẻ sơ sinh đại tiện dưới 2 lần/ngày; trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi đại tiện dưới 3 lần/tuần; trẻ từ 1 tuổi trở lên đại tiện dưới 2 lần/tuần. Bên cạnh đó, khi đi đại tiện trẻ sẽ có các biểu hiện như khó rặn, mặt đỏ lên, vã mồ hôi, xì hơi có mùi khó ngửi. Trẻ đi ngoài phân rắn, có khi thành viên như phân dê; hoặc phân keo như đất sét, bết, dính. Có khi trẻ tự đại tiện được hoặc cha mẹ phải thụt thì mới đi được. Táo bón làm trẻ khó chịu, ậm ạch, bụng chướng, sờ thấy cứng.
Táo bón nếu không được điều trị kịp thời, đúng cách sẽ dẫn đến những hậu quả như trẻ biếng ăn, hấp thu chất dinh dưỡng kém, chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng. Trẻ bị táo bón kéo dài khiến phân không được đào thải ra ngoài nên chất độc trong phân bị tích lại trong ruột, gây hại cho sức khỏe, thậm chí có thể gây ra các bệnh như phình đại tràng, xa trực tràng, bệnh trĩ. Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu ngay nguyên nhân trẻ bị táo bón và từ đó có cách trị táo bón cho trẻ sơ sinh phù hợp, hiệu quả.
3. Nguyên nhân táo bón ở trẻ sơ sinh là gì?
Táo bón hiếm gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là khi trẻ chưa ăn thức ăn đặc. Táo bón thường xảy ra hơn khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn đặc. Tính chất phân và số lần đi ngoài của trẻ sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và những gì bé đang ăn trong thời gian gần đây.
Táo bón có thể xảy ra ở trẻ em mắc bệnh lý đặc biệt, chẳng hạn như chẻ đôi đốt sống, hội chứng Down và bại não, hoặc do tác dụng phụ của nhiều loại thuốc.
Một số trường hợp hiếm gặp, táo bón ở trẻ sơ sinh có thể do bệnh lý có từ trước, chẳng hạn như bệnh Hirschsprung, suy giáp hoặc xơ nang. Liên hệ và tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn nghi ngờ trẻ bị táo bón do một trong số các nguyên nhân trên.
4. Cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh tại nhà
Trẻ sơ sinh bị táo bón cần được bác sĩ nhi khoa đánh giá cẩn thận. Trẻ bú kém dẫn đến mất nước và táo bón, vì vậy việc đánh giá cân nặng của trẻ và thói quen bú sữa là hết sức quan trọng.
Nếu trẻ bị táo bón sau khi bắt đầu ăn thức ăn đặc, bổ sung một số thức ăn dưới đây vào chế độ ăn cũng là một cách chữa trẻ sơ sinh bị táo bón, và quan trọng là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng một chế độ ăn hợp lý.
- Nước uống: Đảm bảo rằng em bé của bạn được cung cấp đủ chất lỏng cần thiết hàng ngày. Nếu con bạn trên 6 tháng tuổi, hãy cho trẻ uống một ít nước trong cốc nhỏ cùng với bữa ăn của trẻ. Tuy nhiên, điều này không thể thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức.
- Nước hoa quả: Uống nước ép trái cây nguyên chất như nước ép táo, lê có thể giúp ích, làm lỏng phân và giảm táo bón. Những loại nước trái cây này có chứa sorbitol, hoạt động giống như một loại thuốc nhuận tràng tự nhiên.
- Một số loại trái cây và rau quả: Khi bé đã ăn được thức ăn đặc, hãy cho bé ăn các loại thực phẩm xay nhuyễn như lê, đào và đậu Hà Lan. Ăn những loại trái cây này cũng là cách chữa táo bón cho trẻ sơ sinh vì chúng chứa nhiều chất xơ hơn các loại trái cây và rau quả khác.
- Ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh. Thử cho trẻ ăn ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh làm từ lúa mì, lúa mạch hoặc nhiều hạt sau khi trẻ đang ăn thức ăn đặc. Ba loại này chứa nhiều chất xơ hơn ngũ cốc gạo.
Một vài mẹo chữa táo bón cho trẻ sơ sinh:
- Giúp thư giãn ruột bằng cách cho trẻ tắm nước ấm
- Xoa bóp bụng trẻ nhẹ nhàng theo chiều kim đồng hồ, thực hiện chuyển động tròn nhưng chắc chắn từ rốn ra ngoài một cách nhẹ nhàng.
- Đặt trẻ nằm ngửa và nhẹ nhàng di chuyển chân của trẻ tương tự như động tác ‘đạp xe’.
Nếu những thay đổi trong chế độ ăn uống không giúp trẻ giảm táo bón, bác sĩ có thể sử dụng loại thuốc đạn glycerin dành cho trẻ sơ sinh, được đặt trong trực tràng của trẻ.
Những loại thuốc đạn này chỉ được sử dụng khi cần thiết và theo hướng dẫn của bác sĩ, không nên lạm dụng. Không sử dụng dầu khoáng, thuốc xổ, thuốc trị táo bón hoặc bất kỳ loại thuốc nhuận tràng kích thích nào để điều trị chứng táo bón cho trẻ sơ sinh.
Nếu bạn nhận thấy một số dấu hiệu và triệu chứng bất thường nào dưới đây, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khoẻ:
- Nôn mửa
- Sốt
- Mệt mỏi
- Tăng cân kém
- Chán ăn
- Chướng bụng
- Máu lẫn trong phân
Những thay đổi nhỏ trong chế độ ăn uống có thể giúp giảm táo bón, chẳng hạn như bổ sung nhiều nước và thực phẩm giàu chất xơ. Nếu những thay đổi chế độ ăn uống này không cải thiện táo bón ở trẻ, hãy liên hệ với bác sĩ nhi khoa để được điều trị và chăm sóc đầy đủ.
Nếu áp dụng nhiều biện pháp khác nhau mà tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh vẫn không cải thiện thì nên đưa bé đến cơ sở y tế để khám sớm, tránh để tình trạng này kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.