Trong giai đoạn từ tuần 39 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu nên chuẩn bị sẵn tinh thần để chào đón em bé chào đời. Trong giai đoạn này, chị em cần nắm được những đặc điểm phát triển của thai nhi, dấu hiệu thông báo bạn sắp sinh và một số vấn đề cần lưu ý. Bài viết này sẽ chia sẻ cho chị em những thông tin liên quan tới thai 39 tuần để mẹ bầu “vượt cạn” thành công.
1. Mang thai tuần 39 có gì đặc biệt?
Bà bầu tuần 39 thường cảm thấy mệt mỏi và hồi hộp chờ đợi đến ngày vượt cạn. Vùng bụng dưới của mẹ căng to vì bào thai đã lấp đầy vùng xương chậu. Tư thế đi đứng của thai phụ có thể đã thay đổi ít nhiều do trọng tâm cơ thể dồn về phía trước.
Cơ bắp tay và chân của em bé tuần 39 trở nên săn chắc hơn, móng chân và móng tay gần như hoàn thiện. Phần đầu của thai nhi đã lọt vào vùng xương chậu và sẵn sàng cùng mẹ vượt cạn.
2. Cơ thể bà bầu tuần 39 thay đổi như thế nào?
Bà bầu tuần 39 thường gặp phải cơn gò chuyển dạ giả (hay cơn gò Braxton Hicks, cơn gò sinh lý). Để phân biệt với chuyển dạ thật, thai phụ có thể dựa vào những đặc điểm sau đây:
- Các cơn đau chuyển dạ giả thường tập trung ở vùng bụng dưới và phần háng, trong khi cơn gò chuyển dạ thật hầu hết xuất hiện ở lưng dưới và có thể lan ra toàn bộ vùng bụng;
- Chuyển dạ thật ngày càng trở nên nặng nề hơn qua thời gian và không biến mất khi sản phụ ăn, uống nước hay thay đổi tư thế.
Một dấu hiệu của chuyển dạ khác là vỡ túi nước ối. Hiện tượng này có khả năng xảy ra vào bất cứ lúc nào khi mang thai tuần 39. Phụ nữ mang thai giai đoạn này bị vỡ ối sẽ thấy nước ối trào ra thành dòng, trong khi một số thai phụ lại cảm thấy nước ối chảy ra ít và ổn định. Tuy nhiên, nhiều thai phụ có thể không có hiện tượng vỡ nước ối cho đến khi bắt đầu lâm bồn, thậm chí một số trường hợp phải nhờ bác sĩ kích thích làm vỡ túi ối.
Kích thích chuyển dạ được thực hiện khi cần cho em bé sinh sớm, đặc biệt là những trường hợp bác sĩ cảm thấy quan ngại về tình hình sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, hoặc nếu đã hai tuần sau ngày dự sinh mà mẹ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ.
3. Dấu hiệu phụ nữ mang thai 39 tuần không nên bỏ qua
Trong giai đoạn từ tuần 39 – 40 của thai kỳ, mẹ bầu có thể gặp phải một số dấu hiệu bất thường. Đây thực sự là tín hiệu thông báo em bé chuẩn bị chào đời, chị em nên nắm được các dấu hiệu trong giai đoạn thai 39 tuần và sẵn sàng tinh thần đón em bé nhé!
3.1. Bụng bầu có dấu hiệu tụt xuống
Chuẩn bị bước vào kỳ sinh nở, người phụ nữmang thaisẽ thấy bụng bầu tụt xuống rõ rệt, nguyên nhân là do thai nhi tụt xuống thấp, phần đầu thai đã tới lỗ trong của cổ tử cung của mẹ. Nhìn chung, dấu hiệu này có thể gây ra nhiều bất tiện cho chị em trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là khi đi đứng, vận động, tạo cảm giác khó chịu. Tốt nhất, khi dấu hiệu này xuất hiện, chị em nên chuẩn bị tinh thần, sắp xếp sẵn đồ đạc để đi tới bệnh viện sinh em bé bất cứ lúc nào.
3.2. Cổ tử cung bắt đầu mở
Phụ nữ mang thai 39 tuần chuẩn bị sinh sẽ thấy cổ tử cung bắt đầu mở, đây là tín hiệu cho thấy cuộc chuyển dạ đã bắt đầu và em bé sắp chào đời. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ chuyển dạ, chị em nên tới cơ sở y tế để được theo dõi và chuẩn bị sinh con.
3.3. Vỡ ối
Đối với phụ nữ sắp sinh, hiện tượng vỡ ối cũng chính là tín hiệu thông báo cho người mẹ rằng em bé đã sẵn sàng bước vào thế giới mới. Dựa vào tín hiệu này, chị em sẽ chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để chào đón thiên thần nhỏ sau hơn 9 tháng chờ đợi.
Các bác sĩ cũng khuyến khích mẹ bầu theo dõi tình trạng nước ối thường xuyên, đặc biệt trong giai đoạnthai 39 tuần. Trong một số trường hợp, do mẹ bầu chủ quan, không chú ý tới tình trạng nước ối nên không kịp thời phát hiện tình trạng cạn nước ối. Một số hậu quả nghiêm trọng do cạn nước ối để lại là: suy thai, thậm chí gây thai chết lưu.
4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 39
4.1. Giữ cho tâm trạng thoải mái
Mang thai tuần 39 là giai đoạn rất nhạy cảm đối với thai kỳ. Tuy nhiên, bà bầu không nên quá lo lắng, căng thẳng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe trong tuần thai này. Theo đó, bà bầu 2 tuần cuối nên chú trọng nghỉ ngơi, vận động nhẹ nhàng vừa phải, quan trọng nhất là giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.
4.2. Hãy thử chăm sóc da mặt tại nhà
Một trong những phương pháp giúp bà bầu tuần 39 cảm thấy thư giãn trong khi chờ em bé “gõ cửa” là chăm sóc da mặt tại nhà. Dành thời gian mát xa cho da mặt, đắp mặt nạ, thoa kem dưỡng da, xông hơi mặt giúp cho bà bầu cảm thấy tự tin hơn để chào đón con yêu chào đời.
4.3. Ăn trong khi chuyển dạ
Những thai phụ có thể ăn uống trong quá trình chuyển dạ thường có thời gian chuyển dạ ngắn hơn từ 45 đến 90 phút. Chuyển dạ đối với hầu hết phụ nữ mang thai đều được xem là trải nghiệm khó khăn và cần nhiều năng lượng. Bà bầu chuyển dạ trong khi đói có thể ảnh hưởng đến khả năng rặn đẻ, khiến thai phụ nhanh xuống sức. Trong trường hợp này, người mẹ có thể ăn một số đồ ăn nhẹ để cung cấp thêm năng lượng của bạn và uống nước để bổ sung nước cho cơ thể.
4.4. Ngủ nghỉ
Cho dù cả ngày ngồi mong ngóng thì cũng không làm cho dấu hiệu chuyển dạ đến sớm hơn. Mặt khác, cơ thể bà bầu rất cần được nghỉ ngơi để ổn định sức khỏe. Do đó, bà bầu 2 tuần cuối nên chú trọng ngủ nghỉ vào những khoảng thời gian rảnh trong ngày.
4.5. Điều chỉnh ngôi thai của bé
Bà bầu tuần 39 cần thực hiện một số bài tập để hỗ trợ em bé xoay đầu, trong trường hợp thai nhi của mẹ đang là ngôi thai mông (hay ngôi ngược), nghĩa là mông thai nhi nằm hướng về phía âm hộ của mẹ, đầu thai lại nằm ở đáy tử cung, hướng về phía ngực mẹ. Ngôi mông sẽ khiến cho việc sinh nở gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ em bé xoay về ngôi thuận, mẹ bầu có thể thực hiện nghiêng xương chậu, quỳ gối với hai đầu gối cách xa nhau và cúi xuống để ngực chạm mặt đất, đều đặn ba lần mỗi ngày.
Phụ nữ mang thai tuần 39 nên tìm hiểu các gói dịch vụ chăm sóc thai sản cho giai đoạn Chuyển dạ ở những bệnh viện uy tín để được các bác sĩ có chuyên môn hỗ trợ tốt nhất cho giai đoạn cực kỳ quan trọng này.
Giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ, sức khỏe của cả mẹ và bé cần được theo dõi, kiểm tra chặt chẽ. Thai phụ cần:
- Nắm rõ dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
- Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời, tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
- Đặc biệt cẩn trọng khi xuất hiện chảy máu trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo tính mạng cho cả mẹ và bé.
- Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
- Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
- Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.
- Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.