Hăm là một hiện tượng của viêm da, thường gặp ở trẻ em trong quá trình mặc tã do da bé rất mỏng và nhạy cảm. Trẻ bị hăm có nên đóng bỉm hẳn là thắc thắc của nhiều mẹ khi bé bị hăm. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp câu hỏi trên cho mẹ và gợi ý cách mặc bỉm đúng khi trẻ bị hăm.
1. Trẻ hăm tã là gì?
Hăm tã là tình trạng hệ thống bài tiết ở da trẻ bị bít kín vì ra nhiều mồ hôi, khiến khu vực này luôn trong tình trạng ẩm ướt, không thông thoáng. Ngoài ra, khi trẻ đi tiểu trong tã, nếu không được thay thường xuyên và để trong thời gian lâu thì cũng sẽ gây ra hăm tã. Nặng hơn thì có thể khiến trẻ bị viêm da, khó chịu, ngứa ngáy, nếu trẻ gãi mạnh thì sẽ khiến da vùng này bị cọ xát gây ra tình trạng trầy xước và dễ dẫn đến nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hay nhiễm khuẩn huyết. Độ tuổi trẻ em hay gặp phải tình trạng hăm tã nhất là từ 3 đến 15 tháng.
Trẻ hăm tã thường có dấu hiệu như: Đỏ ở vùng da được bọc tã hoặc bộ phận sinh dục, đồng thời những khu vực này ngửi sẽ thấy mùi khai. Hăm tã có thể lan từ hậu môn đến mông, đùi, bề mặt da vùng bị hăm tã thường căng, lốm đốm đỏ, có mủ. Trường hợp trẻ bị bội nhiễm thì khi đi vệ sinh sẽ biểu hiện cảm giác đau, quấy khóc nhiều lần trong ngày, bú kém và khó ngủ.
Để điều trị thì cần dựa vào mức độ hăm tã của trẻ. Nếu trẻ chỉ bị hăm nhẹ thì chỉ cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng vùng mang tã. Trong trường hợp vết hăm có biểu hiện nặng hơn, lan rộng ra nhiều nơi như mặt, tay chân, bụng và không có dấu hiệu lui bệnh sau 2 – 3 ngày thì cần đưa trẻ đi khám ngay.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị hăm khi đóng bỉm
2.1 Đóng bỉm 24/24 cho bé
Ưu điểm của việc sử dụng bỉm là nhanh-gọn-tiện. Đây là lý do khiến nhiều bà mẹ ngày nay dường như đã quá lệ thuộc vào món đồ sơ sinh này, sẵn sàng cho con mặc 24/24, bẩn lại thay mà không hề bận tâm đến tác hại của nó. Điều này rất nguy hiểm, gây tổn hại đến sức khỏe và làn da của bé. Đặc biệt vào mùa hè, thời tiết nóng bức nếu mặc bỉm 24/24 sẽ khiến bé nóng hơn, gây khó chịu, quấy khóc.
2.2 Cho bé mặc bỉm quá 8 tiếng
Đóng bỉm đồng nghĩa với việc da trẻ phải tiếp xúc với chất lỏng. Khi bạn để bé đóng bỉm quá lâu, da bé sẽ trở nên ẩm ướt hơn bình thường. Vi khuẩn dễ dàng xâm nhập thông qua lớp da gây hăm, mẩn. Chính vì thế mẹ hãy nhớ giữ cho da bé khô thoáng và thay bỉm sau 3-4 tiếng (nếu bỉm chỉ chứa nước tiểu) . Nếu bé ị thì phải thay ngay lập tức.
2.3 Sử dụng bỉm kém chất lượng
Việc dùng bỉm kém chất lượng sẽ khiến bé bị hăm nặng hơn. Bỉm dày, thấm hút kém sẽ gây bí bách. Tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, vi nấm phát triển. Nếu bỉm có chứa chất lưu hương, chất tẩy trắng hóa học sẽ gây kích ứng khiến bé bị hăm nặng hơn.
2.4 Chọn sai kích thước bỉm
Nhiều bà mẹ có suy nghĩ cho con mặc bỉm size rộng thì sẽ cảm thấy thoái mái hơn. Hoặc cho con mặc bỉm chật một chút để nước tiểu không chảy ra ngoài. Tuy nhiên, suy nghĩ này rất sai lầm. Vì khi mặc bỉm size lớn, bỉm sẽ không ôm kín được háng bé khiến cho nước tiểu tràn ra ngoài. Còn nếu mặc bỉm size quá chật sẽ gây cọ xát, bí bách, tổn thương da bé, dễ gây hăm da.
2.5 Vệ sinh không đúng cách
Việc mẹ chà xát, lau rửa vùng kín của bé quá mạnh làm da bé bị xước và trở nên nhạy cảm hơn.
2.6 Sử dụng phấn rôm sai cách
Nếu như các bà mẹ bôi phấn rôm quá nhiều sẽ không tốt cho da bé. Bản chất của phấn rôm là dạng hạt mịn, khi cọ xát vào da cũng làm da bé bị xước và tổn thương. Việc lạm dụng phấn rôm dễ gây bít tắc lỗ chân lông và gây khó khăn cho việc cân bằng độ ẩm của làn da. Đây cũng là một điều kiện để nấm và vi khuẩn sinh sôi, nảy nở.
3. Các triệu chứng khi trẻ bị hăm da
Những dấu hiệu thường xuất hiện và có thể nhìn bằng mắt thường đó là: đỏ da ở xung quanh bộ phận sinh dục; kèm theo mùi khai. Vùng da đỏ có thể bắt đầu từ hậu môn của bé sau đó lan rộng tới mông và đùi. Da căng và có lốm đốm đỏ.
Khi trẻ bị hăm ở mức độ nặng hơn, sẽ xuất hiện mụn cứng hoặc mụn nước trên vùng da bị hăm. Chúng xếp lộn xộn không theo trật tự trên da. Mụn nước vỡ chảy ra dịch có mùi hôi. Mụn nước vỡ lâu lành, có hiện tượng lở loét trên da bé.
Khi bị hăm da, trẻ thường xuyên quấy khóc. Đặc biệt là khi chạm vào hay là lúc vệ sinh phần da tổn thương của trẻ. Trẻ kém ăn, bỏ bú, hay giật mình tỉnh giấc giữa đêm.
4. Cách xử lý với các trường hợp trẻ bị hăm khi đóng bỉm
4.1 Đối với các bé bị hăm nhẹ
Hăm nhẹ sẽ tự động khỏi, không cần điều trị. Các bà mẹ hãy chú ý vệ sinh cho bé. Phải rửa sạch vùng kín cho bé ngay sau khi đi vệ sinh bằng nước ấm, thấm khô và thay tã mới. Khi rửa phải nhẹ nhàng, tránh làm bé đau và tránh làm xây xước thêm trên da của bé.
Trường hợp, hăm nhẹ, các mẹ chỉ cần bôi kem chống hăm vào các vết hăm. Làn da bé rất là nhạy cảm do đó bạn cần lưu ý lựa chọn kem chống hăm phù hợp để duy trì độ ẩm tối đa cho làn da của bé. Giúp da nhanh phục hồi mà không làm khô da hay bong vẩy.
Không nên dùng phấn rôm rắc vào chỗ hăm vì có thể sẽ làm nặng thêm vùng da bị tổn thương.
4.1 Đối với các bé bị hăm nặng
Nếu bị hăm ở dạng nặng, hoặc có mủ, tốt nhất không nên bôi kem trị hăm. Các bạn hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để dùng thuốc. Bác sĩ sẽ căn cứ vào tình trạng hăm của bé để kê thuốc cho bé. Trường hợp bội nhiễm theo dạng viêm da thì phải cho bé dùng thuốc theo phác đồ điều trị viêm da.
Nếu hăm có dấu hiệu nhiễm nấm thì phải dùng kem chống nấm. Cha mẹ tuyệt đối không dùng kem chống hăm mà không tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa nhi. Vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ dị ứng.
5. Trẻ bị hăm có nên đóng bỉm?
Đóng bỉm cho trẻ là một giải pháp vô cùng hữu ích, giúp các bậc cha mẹ có thể giải quyết được vấn đề vệ sinh cho trẻ nhanh chóng và sạch sẽ. Tuy nhiên, trên thực tế có nhiều cha mẹ đóng bỉm cho trẻ trong vòng 24 giờ mà không thay bỉm liên tục, khiến trẻ dễ mắc phải những bệnh lý về da như viêm loét da, hăm tã, nhất là vào những ngày có thời tiết nóng ẩm, mùa hè. Vì vậy, để tận dụng những công dụng của bỉm mà không gây hại cho làn da nhạy cảm của trẻ thì cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn loại bỉm tốt, đạt chất lượng, có kích thước và chất liệu phù hợp, thấm hút tốt, sạch sẽ, an toàn với trẻ.
- Hạn chế đến mức tối đa việc mang bỉm cho trẻ, khuyến khích việc đi vệ sinh vào những thời điểm nhất định trong ngày để tạo thành thói quen tốt cho trẻ.
- Trước khi thay bỉm mới cho trẻ, cha mẹ cần cho vùng da ở chỗ đóng bỉm được tiếp xúc với môi trường xung quanh một lúc rồi mới đóng bỉm.
- Thay tã cho trẻ thường xuyên 1 – 3 giờ.
- Khi trẻ đi tiểu thì thay tã mới ngay sau đó.
- Khi thay tã cho trẻ thì tránh để tã cọ xát có mạnh vào da của bé vì sẽ gây nên kích thích da.
- Không nên đóng bỉm quá chặt, biểu hiện rõ ràng nhất là xuất hiện những vết hằn của bỉm trên da trẻ. Chọn bỉm dựa theo cân nặng của trẻ để đảm bảo kích thước phù hợp nhất.
- Trước khi thay tã thì làm sạch và lau khô vùng da đóng bỉm.
- Dùng kem chống hăm bôi ngoài da một lượng nhỏ nếu trẻ xuất hiện hăm tã.
Tóm lại, mặc dù tã lót là 1 trong những vật dụng rất phổ biến và hữu ích đối với trẻ em, giải quyết được vấn đề đi vệ sinh của trẻ nhưng cha mẹ cũng cần lưu ý cách đóng bỉm cho trẻ phù hợp, đảm bảo giữ vệ sinh sạch sẽ để giúp bảo vệ vùng da nhạy cảm của bé.