Mẹ ăn gì để con không bị táo bón là câu hỏi được nhiều người quan tâm, đặc biệt là những bà mẹ trẻ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giúp trẻ có điều kiện phát triển toàn diện hơn so với việc sử dụng sữa công thức. Chính vì thế, nguồn dinh dưỡng trong sữa mẹ phải đảm bảo để con khỏe mạnh, đồng thời phòng tránh nguy cơ táo bón.
1. Bé sơ sinh bị táo bón
Ở trẻ sơ sinh nếu bú sữa mẹ hoàn toàn thì phân của trẻ thường lỏng hoặc sệt, có màu vàng, trong phân có bọt hoặc có lấm tấm hạt trắng như hoa cà, hoa cải. Trẻ có thể đi nhiều lần trong ngày, thỉnh thoảng vừa bú vừa đi ngoài, tuy nhiên trẻ không có triệu chứng đau bụng, lên cân và sinh hoạt bình thường. Ở trẻ sơ sinh bú sữa công thức, phân thường đặc hơn, số lần đại tiện cũng ít hơn do sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa công thức.
Bé sơ sinh bị táo bón là tình trạng trẻ ít đại tiện, nhiều ngày (trên 3 ngày) không đi ngoài, phân thường khô, cứng, lúc đại tiện phải rặn mới đi được. Nguyên nhân chủ yếu gây táo bón ở trẻ sơ sinh thường là do trẻ bú ít, bú không đủ lượng sữa, dẫn đến cơ thể bị thiếu nước.
2. Mẹ ăn gì để con không bị táo bón?
Dưới đây là một số thực phẩm mẹ nên bổ sung giúp con khỏe mạnh, không bị táo bón, bạn đọc có thể tham khảo:
2.1 Bổ sung chất xơ
Chất xơ là một trong những dưỡng chất vô cùng cần thiết đối với hệ tiêu hóa, giúp hệ thống tiêu hóa hoạt động trơn tru, tăng nhu động đường ruột. Các mẹ đang trong quá trình cho con bú nên bổ sung dưỡng chất này để phòng ngừa nguy cơ táo bón ở trẻ.
Bên cạnh đó, vấn đề con bị táo bón mẹ nên ăn gì cho bú cũng có thể được giải đáp bằng nhóm dưỡng chất cần thiết này. Các thực phẩm mà mẹ nên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày như khoai lang, rau cải xanh đậm, chuối, cà rốt, các loại đậu,…Chúng có hàm lượng chất xơ dồi dào, giúp tiêu hóa của trẻ tốt hơn, phòng ngừa nguy cơ táo bón.
2.2 Mẹ ăn thực phẩm giàu vitamin
Ngoài chất xơ, vitamin cũng là dưỡng chất cần thiết, có nhiệm vụ thúc đẩy quá trình tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Đồng thời, vitamin giúp tăng cường hệ thống miễn dịch để bé được phát triển khỏe mạnh. Loại dưỡng chất này có trong đa số các loại thực phẩm từ thịt, cá, trứng cho đến rau củ, trái cây,…
Chính vì thế, mẹ có thể bổ sung vitamin từ những loại thực phẩm kể trên để con cải thiện được hệ thống tiêu hóa, tránh nguy cơ táo bón gây ra những triệu chứng khó chịu cho trẻ. Tham khảo thêm các loại như cải bó xôi, hạt nguyên xơ, cá hồi, cà chua, bưởi, cam,…
2.3 Uống đủ nước
Mẹ nên bổ sung cho cơ thể đủ nước mỗi ngày. Do trong cơ thể người, đã có đến 70% thể tích là nước, vì thế việc thiếu hụt nước làm tăng nguy cơ táo bón. Mỗi ngày, mẹ nên cố gắng đảm bảo nạp vào cơ thể từ 1,5 lít đến 2 lít nước.
Thông qua đó, mẹ cũng sẽ tiết được đủ sữa cho con, giúp thanh lọc cơ thể, đồng thời loại bỏ cặn bã, độc tốt. Xây dựng thói quen uống nước, đừng đợi đến khi nhận thấy cảm giác khát mới uống nước.
Ngoài phòng ngừa táo bón cho con, nếu mẹ bổ sung đủ nước cho cơ thể, làn da cũng được cải thiện rõ rệt.
2.4 Ăn sữa chua
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho đường ruột và hệ thống tiêu hóa. Trong thành phần của sữa chua có probiotic giúp điều hòa nhu động ruột cho trẻ, kích thích tiêu hóa diễn ra tốt hơn. Mẹ có thể ăn sữa chua mỗi ngày để con bú khỏe, tránh táo bón
2.5 Mẹ ăn mận
Quả mận chứa hoạt chất có tên là sorbitol giúp nhuận tràng cực kỳ hiệu quả. Chính vì thế, mẹ nên bổ sung loại quả này thường xuyên để trẻ bú sữa không bị táo bón. Ngoài ra, hàm lượng chất xơ trong quả mận cũng dồi dào, axit chlorogenic cùng chlorogenic giúp bé giảm nguy cơ táo bón. Tùy theo sở thích của mẹ bỉm, bạn có thể ăn tươi hoặc ép uống nước mận.
2.6 Ăn đu đủ
Đu đủ có thể nói là loại quả khá phổ biến trong vấn đề hỗ trợ điều trị táo bón. Mẹ có thể ăn đu đủ để cho con bú khi con gặp khó khăn khi đi đại tiện. Trong đu đủ có chứa vitamin A, C và chất xơ dồi dào, hỗ trợ kích thích tiêu hóa và tạo phân mềm, giúp bé dễ đi ngoài hơn.
Ngoài đu đủ, mận, mẹ bỉm có thể ăn bổ sung xen kẽ hàng ngày những loại quả khác như quả lê, táo, nho, kiwi,…để cung cấp vitamin, khoáng chất,…dinh dưỡng cho bé. Đồng thời, những loại quả này cũng hỗ trợ tốt tiêu hóa, giúp bé không gặp khó khăn khi đi vệ sinh.
2.7 Ăn các loại hạt, ngũ cốc
Không những giúp cải thiện chất lượng sữa cho con, các loại hạt, ngũ cốc còn có công dụng tốt trong việc hỗ trợ giảm táo bón cho trẻ sơ sinh. Bạn có thể tham khảo một số loại như lúa mạch, gạo lứt, yến mạch, lúa mì, hạt hạnh nhân, hồ đào, óc chó, hạt chia,…
2.8 Ăn nhiều rau
Bổ sung mỗi bữa ăn nhiều rau xanh, nhất là các loại có màu xanh đậm giúp tiêu hóa tốt hơn do nó chứa nhiều chất xơ, vitamin,…Không chỉ tốt cho hệ tiêu hóa của mẹ, chúng còn giúp cải thiện chất lượng sữa, giúp con khi bú tránh được nguy cơ táo bón. Bổ sung các loại rau như cải xoăn, rau bina, rau diếp cá, măng tây,…
Việc cung cấp những dưỡng chất tốt, hỗ trợ tiêu hóa, phòng táo bón cho trẻ sơ sinh là thật sự cần thiết. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên bổ sung lượng vừa đủ, tránh ăn quá nhiều gây phản tác dụng khiến bé gặp phải tình trạng tiêu chảy.
3. Trẻ bị táo bón phải làm sao?
- Sữa mẹ dễ tiêu hóa và ít xác, nếu trẻ hấp thụ tốt có thể chậm đi ngoài, 5 – 6 ngày mới đại tiện một lần. Trong trường hợp này, nếu phân của trẻ vẫn mềm, không khô, cứng, trẻ không quấy khóc, khó chịu thì mẹ nên xoa bụng cho trẻ theo chiều kim đồng hồ nhiều lần trong ngày, kết hợp động tác đạp xe với chân của trẻ, thực hiện lúc đói để kích thích nhu động ruột của trẻ.
- Nếu bé sơ sinh bị táo bón do bú ít sữa, mẹ cần tăng cường số lần cho trẻ bú (bú 1 – 2 giờ/lần) để tăng lượng sữa, đảm bảo trẻ được cung cấp đủ sữa, đủ nước, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Nếu mẹ ít sữa, trẻ cần được bú nhiều hơn, bú khoảng 12 – 15 lần/ngày.
- Nếu trẻ bú sữa công thức và bị táo bón, cha mẹ cần lưu ý cách pha sữa, nên pha theo đúng công thức hướng dẫn, tránh pha quá đặc, để trẻ có thể hấp thu sữa tốt nhất.
Tuy nhiên, để chữa táo bón cho trẻ, cha mẹ lưu ý không nên bơm hậu môn của trẻ thường xuyên. Ngoài ra, nếu thực hiện những cách nêu trên, bé sơ sinh bị táo bón kèm theo các triệu chứng như chướng bụng, ọc sữa, khó chịu, hay quấy khóc thì cha mẹ nên đưa trẻ thăm khám bác sĩ.
Để tránh tình trạng bé sơ sinh bị táo bón, mẹ nên ăn nhiều trái cây, rau củ, như hạt chia, bưởi,… đồng thời đảm bảo uống đủ 2 – 3 lít nước mỗi ngày.