Khi trẻ bị ho, ngoài việc cho con uống thuốc theo đơn của bác sĩ, các bậc phụ huynh còn phải chú ý đến chế độ ăn của con. Đây là yếu tố rất quan trọng để giúp trẻ sớm phục hồi sức khỏe. Dưới đây là những thông tin chi tiết giúp cha mẹ giải đáp thắc mắc “trẻ bị ho nên kiêng ăn gì và nên ăn gì”.
1. Trẻ nên được cho ăn gì khi bị ho?
Bị ho, cảm lạnh là những biến cố sức khỏe bất lợi rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Theo đó, việc giữ cho trẻ nhỏ được thoải mái và được nuôi dưỡng tốt trong những ngày bị ốm là rất quan trọng, giúp trẻ tăng cường sức đề kháng khi phải chiến đấu với vi rút.
Trong giai đoạn này, bác sĩ thường khuyến cáo cha mẹ cho trẻ nên được nghỉ ngơi nhiều, hạn chế các hoạt động chạy nhảy, vui chơi ngoài trời và cần uống đủ nước, ăn đủ cữ. Nước hoa quả pha loãng, nước lọc, súp và nước canh hầm rau củ là những cách tuyệt vời để bổ sung chất lỏng cần thiết cho trẻ. Nếu trẻ bị sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy, hãy làm theo các khuyến nghị của bác sĩ nhi khoa để thay thế chất lỏng điện giải bằng các gói dung dịch pha theo liều lượng. Trẻ lớn hơn có thể được cho uống các loại trà thảo mộc với mật ong và chanh.
Tuy nhiên, không ít cha mẹ vẫn lo lắng trẻ nên được cho ăn gì khi bị ho bên cạnh như thứ nêu trên. Sau đây là một số lời khuyên cho trẻ ăn gì là phù hợp khi trẻ bị ốm, hắt hơi, ho và sổ mũi:
1.1. Cho trẻ ăn một ít trái cây
Có thể không có bằng chứng chắc chắn nào cho thấy vitamin C có thể chữa cảm lạnh nhưng giá trị của các đặc tính chống oxy hóa của loại sinh tố này là không thể phủ nhận. Các nguồn cung cấp vitamin C dồi dào bao gồm chanh, cam, bưởi và các loại quả mọng nói chung.
Vì vậy, để mau chóng củng cố hệ miễn dịch cho trẻ chống lại tác nhân nhiễm trùng, cha mẹ nên cho trẻ ăn nhiều loại trái cây mềm, mọng nước. Các loại này không chỉ chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất để hỗ trợ sức khỏe và khả năng miễn dịch tốt, mà còn chứa nhiều nước để giúp hỗ trợ nhu cầu chất lỏng của trẻ. Trái cây tươi thái lát đông lạnh rất tiện lợi và dễ rã đông, sẵn sàng cho trẻ thưởng thức, cách bảo quản cũng tốt hơn và chúng cũng sẽ không bị hỏng nhanh chóng như trái cây tươi hoàn toàn.
Bên cạnh đó, cha mẹ có thể thêm sữa tươi hay sữa chua ít béo, xay sinh tố cùng với các ly hoa quả. Đây là một cách lý tưởng để bổ sung thêm năng lượng và các chất dinh dưỡng cho trẻ một cách thơm ngon trong khi trẻ bị ốm sẽ trở nên kén ăn.
1.2. Cho trẻ được tự lựa chọn các món ăn yêu thích của mình
Khẩu vị của trẻ sẽ giảm đi một cách đáng kể khi trẻ bị ho, sốt hay sổ mũi. Vì thế, cha mẹ có thể thúc ép trẻ ăn nhiều hơn một chút để mau chóng vượt qua bệnh tật nhưng đừng quá mức.
Khi trẻ bị bệnh có thể chán ăn hay ăn ít vì đau cổ họng, cha mẹ hãy cho trẻ ăn theo các bữa ăn nhỏ dựa trên các loại thực phẩm yêu thích của trẻ. Các bữa ăn nhỏ thường xuyên với lượng vừa phải sẽ dễ tiêu hóa hơn nhưng vẫn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng cần thiết.
1.3. Thử món súp gà
Hãy thử tự chế biến món súp gà tận dụng từ phần thừa gà quay đêm qua. Theo đó, đừng nên lo lắng khi bé bị ho mẹ có nên ăn thịt gà khi một bát súp gà ấm, nhẹ nhàng là một phương thuốc trị ho, cảm lạnh “kinh điển”. Hơn nữa, bát súp cũng sẽ giúp cung cấp nhu cầu chất lỏng của trẻ.
Để bát súp gà trở nên đầy đặn hơn, hãy thêm một ít gạo, nuôi hoặc mì cùng các loại rau củ đã nấu chín, cắt nhỏ và hầm nhuyễn. Một vài thìa bột yến mạch cũng có thể được sử dụng để làm sánh súp trong khi đun sôi cũng như cung cấp thêm các chất dinh dưỡng cần thiết.
2. Bé bị ho không nên cho ăn gì?
Ngược lại với các món ăn nên cho trẻ ăn khi bị ho nêu trên, dưới đây là 4 loại thực phẩm cha mẹ cần tránh cho trẻ tiếp nhận:
2.1. Thực phẩm có đường
Tránh thức ăn có đường để không tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ dễ bị nhiễm virus hơn.
Đường đơn nói chung không tốt cho trẻ em, ngay cả khi khỏe mạnh. Khi tiêu thụ quá nhiều đường, tình trạng này có thể làm giảm các tế bào bạch cầu, làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh nhiễm trùng và các bệnh liên quan khác.
Do đó, nước ngọt, đồ uống có đường hóa học, bánh kẹo, sô cô la, đồ uống lạnh và thực phẩm chế biến sẵn khác là một số thực phẩm cha mẹ nên tránh khi trẻ bị ho.
2.2. Sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa có chứa protein động vật, có thể gây hại cho trẻ bị ho do kích ứng trong mùa đông. Trẻ có thể tăng tiết xuất đàm nhớt và có thể dẫn đến tắc nghẽn đường thở, khiến tình trạng của trẻ có thể xấu đi.
Như vậy, cha mẹ không nên cho trẻ ăn các sản phẩm từ sữa như pho mát và kem khi bị ho để tránh sản sinh chất nhầy. Tuy nhiên, sữa mẹ và sữa công thức cho trẻ nhỏ lại là điều ngoại lệ. Nếu trẻ còn bú mẹ hoàn toàn, cần tăng lượng sữa trẻ bú và số cữ bú trong ngày. Trong trường hợp trẻ đã ăn dặm, tốt hơn là nên cho trẻ ăn thêm các món dinh dưỡng thay thế như cháo, súp hay bột ăn dặm cho trẻ em.
2.3. Thực phẩm giàu histamine
Một số bà mẹ lo lắng rằng trẻ bị ho có nên ăn tôm. Câu trả lời là cần cẩn trọng vì trong tôm có chứa nhiều histamine. Đây là một chất hóa học liên quan đến việc tăng tạo và tiết ra axit dạ dày, dễ gây kích ứng đường thở và gây ho.
Chính vì thế, chế độ ăn giàu histamine trong lúc giao mùa có thể có tác động tiêu cực vì điều này có thể tạo ra chất nhầy trên đường thở, dẫn đến các vấn đề sức khỏe và thậm chí có thể khiến trẻ bị ho, khò khè, khó thở hay khó nuốt thức ăn.
Theo đó, nên tránh dùng mayonnaise, trái cây sấy khô, nấm, giấm, chuối, rau bina, nước tương, dưa chua, dâu tây, đu đủ, thực phẩm lên men, cá hun khói, sữa chua, cà tím, hải sản như cá biển, tôm và thực phẩm có chứa chất bảo quản nhân tạo nhằm giảm thiểu lượng histamine vào cơ thể.
2.4. Đồ chiên rán và các loại thức ăn nhanh
Thực phẩm chiên rán và các loại thức ăn nhanh chủ yếu được chế biến bằng cách chiên bằng dầu mỡ có nguồn gốc từ các sản phẩm động vật. Đây có thể là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em trong mùa đông.
Mặt khác, thức ăn chiên hay chứa nhiều dầu mỡ còn khiến nước bọt và chất nhầy đặc lại, có thể dẫn đến cảm giác khó chịu vùng cổ họng, dễ khiến trẻ bị ho hơn nữa. Tuy nhiên, nhìn chung, những thực phẩm như vậy rất có hại cho trẻ nhỏ, cần phải tránh cho chúng ăn ngay cả khi trẻ hoàn toàn khỏe mạnh.
Tóm lại, bé bị ho nên ăn gì và kiêng gì là điều quan tâm rất lớn khi cha mẹ chăm sóc trẻ ốm tại nhà. Khi biết những món cần tránh nêu trên, cha mẹ sẽ có cách lựa chọn thức ăn phù hợp, vừa giúp trẻ ăn nhiều, hợp khẩu vị, sớm vượt qua bệnh mà còn giúp làm cho các cơn ho của trẻ mau chóng được dịu bớt đi.
Nếu trẻ bị ho kéo dài, cha mẹ nên đưa bé đi khám sớm để được bác sĩ chẩn đoán chính xác vấn đề sức khỏe mà bé đang gặp phải và đưa ra phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả.