Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhưng không phải người mẹ nào cũng có điều kiện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, nhất là khi mẹ phải quay trở lại đi làm. Trong tình huống này, tích trữ sữa chính là một cứu cánh.
1. Cách lưu trữ và bảo quản sữa mẹ đúng cách
Thời gian sữa mẹ có thể tích trữ được phụ thuộc vào cách tích trữ sữa được áp dụng.
– Nếu sữa mẹ vừa được vắt ra và trữ ở nhiệt độ phòng trên 26°C, mẹ chỉ có thể trữ được tối đa 4 tiếng thay vì 6 đến 8 tiếng. Thời gian tích trữ và sử dụng tối ưu là trong vòng 4 giờ, và nếu căn phòng ấm áp thì giới hạn để sử dụng sữa cũng chỉ là 4 giờ.
– Trong máy làm mát cách nhiệt: Sử dụng máy làm mát cách nhiệt với đá có thể giúp bảo quản sữa mẹ trong vòng một ngày.
– Trong tủ lạnh: Sữa mẹ nếu được cất trữ ở khu vực sâu trong tủ lạnh và giữ vệ sinh sạch sẽ thì có thể bảo quản được trong vòng 5 ngày. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 3 ngày.
– Trong tủ đông: Đây là phương pháp giúp bảo quản được trong thời gian dài nhất, lên tới 12 tháng. Tuy nhiên thời gian bảo quản và sử dụng tối ưu là trong vòng 6 tháng. Và sữa mẹ vừa vắt ra nên được đặt ngay vào tủ lạnh, tránh để bên ngoài hơn 48 tiếng sau khi vắt.
Việc tích sữa tuy tiện lợi, nhưng cũng có một số hạn chế kèm theo. Dù bảo quản ở đâu, hàm lượng vitamin C có trong sữa mẹ cũng sẽ mất dần theo thời gian. Thời gian bảo quản càng dài thì hàm lượng vitamin C càng giảm. Điều nữa là sữa mẹ được lấy và tích trữ khi đứa trẻ mới chào đời sẽ không hoàn toàn phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của đứa trẻ đó sau vài tháng.
2. Cách nhận biết sữa mẹ bị hỏng
Ngoài việc hiểu rõ thời gian bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra, các mẹ cũng cần nắm chính xác những dấu hiệu nhận biết sữa đã bị hỏng để loại bỏ kịp thời, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa của trẻ. Các mẹ lưu ý, sữa mẹ còn dùng được sẽ có mùi thơm nhẹ, ngậy, béo, vị nhạt. Nếu để lâu sẽ bị phân tách thành từng lớp riêng biệt (lớp nước và lớp chất béo). Tuy nhiên dấu hiệu phân tách lớp này là bình thường không đáng lo ngại. Còn sữa mẹ bị hỏng sẽ có mùi chua, mùi men khó chịu, bị vón cục. Trẻ uống phải sữa mẹ đã bị hỏng, biến chất sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa hoặc tiêu chảy, nhiễm trùng đường tiêu hóa.
3. Làm cách nào để rã đông sữa mẹ đông lạnh một cách an toàn?
Rã đông sữa cũ nhất trước. Đặt hộp sữa đã được đông lạnh vào ngăn mát tủ lạnh vào đêm trước khi bạn định sử dụng. Bạn cũng có thể làm ấm sữa nhẹ nhàng bằng cách đặt sữa dưới vòi nước ấm hoặc trong một bát nước ấm.
Không làm nóng chai sữa đã đông lạnh trong lò vi sóng hoặc đun nhanh trên bếp. Một số phần của sữa có thể quá nóng và một số phần khác lạnh. Ngoài ra, một số nghiên cứu cho thấy rằng việc đun nóng nhanh có thể ảnh hưởng đến các kháng thể của sữa.
Mặc dù cần nghiên cứu thêm về việc liệu sữa đã được rã đông trước đó có thể được đông lạnh trở lại và sử dụng an toàn hay không, nhiều chuyên gia khuyên bạn nên loại bỏ sữa mẹ đã rã đông không được sử dụng trong vòng 24 giờ.
4. Chất lượng sữa mẹ đã rã đông có khác với sữa mẹ tươi mới được vắt ra không?
Màu sắc của sữa có thể thay đổi một chút tùy thuộc vào chế độ ăn uống của người mẹ. Ngoài ra, sữa mẹ đã rã đông có thể có mùi hoặc độ đặc khác với sữa mới vắt.
Sữa mẹ được rã đông vẫn an toàn khi cho bé bú. Nếu con bạn từ chối sữa đã rã đông, nên cân nhắc việc rút ngắn thời gian lưu trữ sữa mẹ.
Khi đã hiểu được cách bảo quản cũng như rã đông sữa mẹ, bạn nên lưu ý và áp dụng theo nhằm đảm bảo chất lượng sữa cho con được tốt nhất.