Phụ nữ trước khi mang thai cần được ưu tiên tiêm phòng cúm để bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và con. Thế nhưng thực tế tại Việt Nam, việc tiêm vắc xin cúm khi mang thai vẫn chưa được mẹ bầu chú trọng.
1. Tại sao cần tiêm phòng cúm khi mang thai?
Mang thai là thời điểm mà hệ thống miễn dịch của cơ thể của người mẹ sẽ hoạt động kém hơn bình thường. Đặc biệt, những căn bệnh mắc phải trong thời kỳ mang thai cũng sẽ nặng hơn và dễ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Cúm là một căn bệnh khá phổ biến mà hầu như ai cũng đều dễ mắc phải, đặc biệt vào lúc thời tiết giao mùa. Đối với phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu khi bị cúm kéo dài có thể gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vậy nên biện pháp tốt nhất để phòng ngừa chính là tiêm vắc- xin phòng cúm trước khi mang thai để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.
Thêm vào đó, trong một nghiên cứu các chuyên gia đã chỉ ra rằng những bà mẹ khi tiêm phòng cúm thì giảm hẳn nguy cơ mắc bệnh ho gà – căn bệnh cực kỳ nguy hiểm cho bà bầu và trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, việc tiêm phòng cúm từ mẹ có thể giúp truyền các kháng thể cho thai nhi. Do trẻ dưới 6 tháng chưa thể được tiêm chủng ngừa cúm nên việc được chủng ngừa gián tiếp qua mẹ sẽ giúp trẻ sẽ được bảo vệ khỏi các chủng cúm tới vài tháng đầu sau sinh.
2. Hiệu quả khi tiêm vắc xin cúm khi mang thai
Việc tiêm vắc xin phòng cúm được cho là cách tốt nhất để giúp cơ thể người mẹ khi mang thai có thể miễn dịch được với bệnh cúm và những tác dụng như sau:
2.1 Tác dụng của vắc xin phòng cúm đối với phụ nữ mang thai
Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có thể giúp mẹ bầu tăng khả năng ngăn ngừa những biến chứng sau:
-
Giảm nguy cơ mắc bệnh cúm trong thai kỳ. Vắc xin cúm tạo kháng thể cần thiết để tăng khả năng miễn dịch phòng bệnh cho mẹ bầu, nhất là trong giai đoạn mang thai nhạy cảm.
-
Giảm nguy cơ biến chứng do cúm ở phụ nữ mang thai. Phụ nữ mang thai khi tiêm vắc xin phòng cúm không loại trừ hoàn toàn khả năng mắc bệnh. Tuy nhiên khi bị cúm sẽ thường nhẹ hơn, khỏi nhanh và hạn chế và giảm được các biến chứng do cúm gây ra.
-
Ngăn ngừa khả năng thai nhi bị dị tật do mẹ bầu bị sốt cao trong quá trình mang thai, nhất là ở giai đoạn đầu mang thai.
-
Tăng sức đề kháng và phòng bệnh đường hô hấp cho em bé sau sinh. Khi tiêm vắc xin phòng cúm lúc mang thai, kháng thể sẽ truyền từ mẹ sang con giúp bảo vệ em bé ngay từ trong bụng mẹ và sau sinh.
2.2 Vắc xin phòng cúm hoạt động như thế nào?
Khi vào cơ thể, vắc xin cúm sẽ kích hoạt hệ thống miễn dịch của mẹ bầu để tạo ra kháng thể chống lại virus cúm. Các kháng thể này tồn tại trong máu và có tác dụng là yêu cầu hệ thống miễn dịch tiêu diệt virus cúm ngay khi phát hiện chúng xâm nhập vào cơ thể từ lúc đầu. Mẹ bầu sau khi tiêm vắc xin cúm chỉ mất khoảng 2 tuần để vắc xin tạo ra những kháng thể này.
2.3 Tiêm vắc xin cúm có an toàn cho thai nhi?
Các nghiên cứu về y học hiện đại đã chỉ rõ, tiêm vắc xin cúm khi mang thai sẽ giúp bảo vệ cho cả mẹ và bé. Em bé trong bụng mẹ sẽ được tiếp nhận kháng thể ngừa virus cúm từ mẹ qua nhau thai và khi bú sữa mẹ. Nhờ vậy, bé sau sinh đã có sẵn kháng thể phòng cúm. Trong khi các các bé sau sinh thông thường phải đủ 6 tháng tuổi mới được tiêm vắc xin phòng cúm.
2.4 Khi nào thì mẹ nên tiêm vắc xin phòng cúm?
Vắc xin phòng cúm được tiêm nhắc lại mỗi năm. Bởi mỗi năm, biến thể của virus cúm đều có sự thay đổi nên cơ thể cần được tiếp thêm các kháng thể phòng cúm phù hợp. Thông thường, người bình thường sẽ tiêm phòng cúm bất cứ thời điểm nào trong năm nhưng tốt nhất là tiêm vào trước thời điểm giao mùa (tháng 10 hằng năm).
Với phụ nữ mang thai cũng vậy. Mẹ bầu có thể tiêm vắc xin cúm khi mang thai bất cứ tháng nào trong thời kỳ mang thai và tiêm vào thời điểm nào cũng nên. Nên tiêm vắc xin phòng cúm càng sớm càng tốt để cung cấp kháng thể phòng bệnh an toàn cho cả mẹ và bé.
Sau khi tiêm phòng cúm, mẹ bầu thường có những biểu hiện như sốt nhẹ hoặc đau cánh tay bị tiêm. Đây là những tác dụng phụ sau khi tiêm. Tuy nhiên biểu hiện thường rất nhẹ và không có gì đáng ngại. Do đó, có thể thấy tiêm vắc xin cúm là hoàn toàn an toàn đối với các chị em trong giai đoạn thai kỳ.
3. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai có tác dụng phụ không?
Hầu hết các tác dụng phụ của vắc-xin cúm là rất nhẹ, chẳng hạn như đau cánh tay hoặc sốt nhẹ, và thường biến mất chỉ trong một hoặc hai ngày. Tác dụng phụ và phản ứng nghiêm trọng là rất hiếm gặp.
CDC đang theo dõi các tác dụng không mong muốn và phản ứng phụ có thể xảy ra đối với tất cả các loại vắc-xin được phê duyệt và lưu hành tại Hoa Kỳ. Khi nhận được vắc-xin, bạn sẽ nhận được cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm cả các tác dụng phụ có thể có. Nếu bạn muốn tiêm vắc xin cúm khi mang thai nhưng còn lo lắng xảy ra các tác dụng phụ, hãy trao đổi với bác sĩ sản khoa để được tư vấn tốt nhất.
4. Nên làm gì nếu bị cúm khi đang mang thai?
Trong trường hợp nghi ngờ mắcbệnh cúm khi đang mang thai hoặc mới vừa có thai (từ 2 tuần trở lên), bạn nên đến cơ sở y tế ngay lập tức để thăm khám với bác sĩ sản khoa. Nên sử dụng thuốc kháng vi-rút càng sớm càng tốt. Các triệu chứng của cúm thường là:
- Sốt hoặc thấy nóng trong người
- Cảm thấy ớn lạnh
- Nhức mỏi cơ thể
- Đau đầu
- Mệt mỏi
- Ho hoặc đau họng
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Thuốc kháng vi-rút cần phải được kê đơn sau khi thăm khám đầy đủ. Thuốc có hiệu quả nhất trong vòng 48 giờ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng cúm. Tuy nhiên, tác dụng của thuốc vẫn còn kéo dài tới 4 – 5 ngày sau khi có biểu hiện cúm. Một loại thuốc chống vi-rút không chữa khỏi bệnh cúm, nhưng có thể rút ngắn thời gian xảy ra triệu chứng và mức độ nghiêm trọng của nó.
5. Mẹ bầu nên làm gì nếu phải tiếp xúc liên tục với người bị cúm?
Nguy cơ bị cúm có thể xảy ra khi mẹ bầu thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân cúm, chẳng hạn như sống chung, chăm sóc hoặc nói chuyện trực tiếp với người bị cúm. Bạn có thể được kê đơn thuốc kháng vi-rút để giảm nguy cơ mắc bệnh cúm.
Trong lịch sử ngành y tế đã từng xảy ra đại dịch cúm vào năm 2009, gây hậu quả rất nặng nề cho nhiều sản phụ và thai nhi. Trong khi đó, phụ nữ có thể chủ động tiêm phòng vắc xin cúm khi mang thai vào bất kỳ thời điểm nào để bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe của mẹ bầu và con yêu.