Trong 6 tháng đầu tiên, trẻ nhỏ thường tăng cân rất nhanh. Bước sang tháng 7 trở đi thì trẻ thường có xu hướng tăng cân chậm hơn, điều này là hoàn toàn bình thường. Có một số trẻ 8 tháng không tăng cân hoặc tăng chậm, vậy thì phải làm sao?
1. Tại sao trẻ 8 tháng chậm tăng cân?
Hiện tượng tăng cân rất nhanh chóng của trẻ trong 6 tháng đầu tiên, đặc biệt là 4 tháng đầu đời, và sau đó có thể chững lại hoặc chậm như rùa bò sau thời điểm bắt đầu ăn dặm không phải là hiếm gặp.
Quan niệm của nhiều người cho rằng, những bé tròn tròn nhìn đáng yêu, nhưng tiêu chuẩn này không chính xác. Theo đúng khoa học phải là những trẻ có thân hình cân đối, không mập cũng không quá gầy. Thường những bé nào tròn quá, nặng quá, đa số sẽ rất ì ạch trong các mốc phát triển, trong khi đó các bạn nhỏ có thân hình vừa phải thì lại rất lanh lẹ vượt qua các mốc phát triển. Ví dụ như trẻ có bụng bự quá nên 6 tháng không ngồi được, trong khi các bạn cùng lứa có bụng thon thon thì tập ngồi nhanh gọn hơn. Cơ thể nặng quá nên trẻ khó vịn đứng, vì chưa đủ sức mà kéo cả mười mấy kg đứng lên.
Trong năm đầu tiên, sữa vẫn là thức ăn chủ yếu của trẻ, chỉ ăn bổ sung khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Nếu bạn cho trẻ ăn bổ sung sớm, bộ máy tiêu hóa của trẻ chưa hoàn thiện sẽ gây ảnh hưởng đến sự tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng. Đặc biệt, khi trẻ ăn dặm sớm lại ăn nhiều thì sẽ không chịu uống sữa nữa. Thậm chí có một số trẻ 8 tháng biếng ăn chậm tăng cân, do bị ép ăn quá mức, dẫn đến chán ăn.
Đối với trẻ 8 tháng tuổi, bạn nên thay đổi món ăn cho bé hàng ngày, cần có đủ thịt cá, trứng, rau xanh. Việc chuẩn bị thực phẩm bị thiếu hoặc chế biến không đúng cách có thể làm mất đi vị ngon của thức ăn, khiến trẻ ăn không ngon miệng, hậu quả làtrẻ 8 tháng không tăng cân.
Trẻ bị viêm mũi họng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến biếng ăn. Do đó, cần điều trị dứt điểm các tình trạng bệnh lý bé đang gặp phải. Bởi vì nếu trẻ không được điều trị đến nơi đến chốn, trẻ sẽ phải điều trị kháng sinh trong thời gian dài dễ gây loạn khuẩn đường ruột làm ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa và hấp thu.
2. Trẻ 8 tháng ăn gì để tăng cân?
Ở giai đoạn tháng thứ 8, nguồn dinh dưỡng cho trẻ từ sữa chiếm khoảng 50% và 50% còn lại từ thức ăn dặm. Từ tháng thứ 7 trở đi năng lượng từ thức ăn dặm ngày càng tăng lên. Để giúp trẻ tăng cân tốt, bạn cần duy trì lượng sữa như cũ và tập trung cho trẻ ăn dặm đầy đủ hơn.
Khẩu phần ăn của trẻ 8 tháng tuổi cần 700-900 ml sữa/ ngày, bao gồm cả bú mẹ, sữa công thức, sữa chua… Và 3 bữa bột/ngày, mỗi bát bột sẽ gồm có 20 g bột gạo (khoảng 2 thìa cà phê), 20g thịt hoặc tôm, cá, trứng… cùng với 5g dầu mỡ (một thìa cà phê) và rau xanh.
Bạn cần lưu ý 3 bữa bột trong ngày phải thay đổi với 3 loại thức ăn khác nhau, không nên cho trẻ ăn 1 loại bột cả ngày vì khiến bé cảm thấy chán. Bạn có thể cho trẻ ăn thêm hoa quả tươi hoặc sữa chua sau khi ăn khoảng 1 tiếng.
Để tăng sữa cho trẻ, không phải tiến hành ngay 1 lúc được, bạn nên tận dụng cảm giác khát để dỗ trẻ uống sữa. Số lượng sữa uống mỗi lần sẽ tăng dần ít một làm trẻ khó nhận rõ và tạo điều kiện cho bé thích nghi dần. Sau khi uống sữa khoảng 2 tiếng thì bạn có thể cho trẻ ăn bột, và sau khi ăn bột khoảng 3 tiếng bạn lại có thể cho trẻ uống tiếp sữa.
Cứ tập cho trẻ ăn dặm bình thường, lưu ý trẻ 8 tháng tuổi nên bắt đầu cho ăn lợn cợn, tập ăn thô, nhai thô dần dần, để sao đến 9 – 10 tháng tuổi, trẻ có thể ăn các loại thức ăn có kích thước bằng ngón tay, nhai thô tốt hơn.
Nếu trẻ vẫn không tiến triển, bạn có thể bổ sung thêm lysine, kẽm, vitamin… để hỗ trợ trẻ ăn được tốt hơn. Tuy nhiên, cần bổ sung liều lượng theo chỉ định của bác sĩ.
Tất cả các loại sữa công thức cho trẻ dưới 12 tháng tuổi có thành phần các chất dinh dưỡng cơ bản giống nhau do chúng đều được sản xuất với thành phần được quy định sẵn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc đổi sữa chỉ nên được đặt ra khi trẻ có vấn đề về dị ứng hoặc tiêu hóa như là tiêu chảy, nôn trớ, táo bón…
Tóm lại, tốc độ tăng cân của trẻ sẽ giảm dần khi lớn lên. Bạn cần nắm được xu hướng này để tránh sốt ruột khi trẻ 8 tháng không tăng cân hay ở những tháng sau đó.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.